Phân hữu cơ đang dần được sử dụng nhiều hơn trong nông nghiệp, tuy không thể thay thế hoàn toàn cho phân hóa học, những cũng giúp hạn chế tác động tới môi trường và bảo vệ sức khỏe của đất trồng, hướng tới canh tác bền vững.

Việc lạm dụng phân hóa học quá nhiều sẽ mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, bởi các chất hóa hoc khi ngấm vào đất sẽ tích tụ lại, làm tăng nồng độ axit, làm cho đất bị chua và bạc màu. Bện cạnh đó, bón phân hóa học quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới sự hoạt động các loài sinh vật sống trong đất, từ đó làm cho hệ sinh vật đất ngày càng bị suy giảm.

Nội dung bài viết

I – Phân hữu cơ là gì?

Chất hữu cơ trong đất là chất được hình thành do sự phân huỷ xác thực vật như thân, lá, rễ, v.v…, cơ thể vi sinh vật (VSV) và động vật đất. VSV phân giải chất hữu cơ tạo ra nhóm chất mùn không đặc trưng, chiếm 10-20% tổng số, gồm các hợp chất các bon, hidrocacbon, axit hữu cơ, rượu, este, anđehit, nhựa,… cung cấp thức ăn cho thực vật; kích thích, ức chế tăng trưởng; cung cấp kháng sinh và vitamin.

Nhóm chất mùn điển hình gồm những chất hữu cơ cao phân tử, phức tạp được tạo ra do quá trình mùn hóa xác thực vật, VSV, động vật. Axit humic, axit funvic, humin chiếm khoảng 80-90% tổng số. Chất hữu cơ là một chỉ tiêu quan trọng của độ phì nhiêu đất và liên quan với thành phần lý, hóa và sinh học đất.

II – Phân hữu cơ gồm những loại nào

Phân hữu cơ được chia thành 2 nhóm: Phân hữu cơ nhà nông (truyền thống) và Phân hữu cơ công nghiệp (hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học, phân vi sinh và hữu cơ vi sinh).

1 – Phân hữu cơ truyền thống

Đây là loại phân hữu cơ có nguồn gốc từ các loại chất thải, bao gồm của người, động vật hoặc từ phụ phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, rác thải hữu cơ và thậm cả các loại than bùn. Tóm lại, mọi nguồn vật chất hữu cơ có sẵn trong tự nhiên đều có thể sử dụng để làm phân hữu cơ. Có thể chia phân truyền thống thành bốn nhóm chính là Phân chuồng, Phân rác, Than bùnPhân xanh.

1.1 – Phân chuồng

Đây là loại phân hữu cơ chủ yếu có nguồn gốc từ chất thải của các loài gia súc như phân trâu, phân bò, phân gà, phân dê, phân lợn… Chất lượng của phân chuồng sẽ phụ thuộc vào loại gia súc, nhưng nhìn chung trong thành phần của phân chuồng thường có đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trungvi lượng, mà một loại phân hóa học khó có được.

Ngoài ra, trong phân chuồng thường rất giàu chất mùn hữu cơ, nhờ quá trình lên men tự nhiên trong ruột của các loài gia súc, từ đó giúp cải tạo kết cấu của đất, tăng độ tơi xốp, cải thiện độ thông thoáng, khả năng giữ ẩm và dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, trong phân chuồng thường có chứa rất nhiều mầm bệnh gây hại tới cây trồng nên cần phải được xử lý thật kỹ trước khi bón.

1.2 – Phân rác

Tuy được gọi là “phân rác” nhưng không phải cứ có nguồn gốc từ rác thải sinh hoạt thì mới được gọi là “phân rác”, mà ngoài ra còn có những loại phế phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản cũng có thể được xem là “phân rác”. Điển hình là những loại phân bón có nguồn gốc từ rác thải hữu cơ, rơm rạ, thân lá cây, vỏ cây, bã đậu, bã mía,…

1.3 – Than bùn

Than bùn được hình thành do sự tích tựphân huỷ không hoàn toàn những tàn dư thực vật trong điều kiện yếm khí, quá trình này diễn ra liên tục và thường xuyên theo năm tháng… Chất lượng của than bùn phụ thuộc vào hàm lượng chất hữu tích lũy nên sẽ tùy thuộc vào hàm lượng này mà sẽ có cách sử dụng khác nhau.

Những loại than bụn trên mặt, có hàm lượng hữu cơ thấp, thường không được dùng đẻ trực tiếp làm phân bón mà chỉ để trộn chung với các loại phân hữu cơ khác trong quá trình ủ. Đối với loại than bùn dưới đáy, có hàm lượng hữu cơ cao, có thể được sử dụng để bón trực tiếp cho cây trồng, nhất là dùng để làm chất cải tạo lý tính đất.

1.4 – Phân xanh

Phân xanh là loại phân hữu cơ có nguồn gốc từ các loại cây xanh hoặc lá cây tươi được ủ hay vùi thẳng xuống đất để bón cho đất. Bên cạnh tác dụng làm phân bón, phân xanh được phủ trên mặt đất để giúp bảo vệ gốc rễ khỏi nắng nóng hoặc giữ ấm khi trời lạnh.

Lưu ý khi vùi phân xanh vào trong đất, trường hợp ngập nước, thường sẽ phát sinh ra nhiều chất độc gây hại cho cây trồng như là khí H2S, axit butiric, CH4, C2H2,… Do đó, cần phải bón vôi và lân để làm hạn chế điều này.

1.5 – Các loại phân hữu cơ khác

  • Phân bắc

Là một loại phân có nguồn gốc từ chất thải của con người, được sử dụng từ rất lâu đời và nó có thường có chất lượng cao hơn so với những loại phân hữu cơ thông thường.

  • Nước phù sa

Phù sa là những đất cát hay cặn, dạng nhỏ mịn hoặc hòa tan, được cuốn trôi theo dòng nước hoặc lắng đọng lại ở bờ sông, bãi bồi. Nguồn gốc phù sa là sản phẩm phong hóa của các loại đất đá và được nước mưa di chuyển đi theo các dòng nước.

  • Khô dầu

Đây là bã còn lại sau khi hạt đã ép lấy dầu. Tùy theo thành phần của mỗi loại khô dầu mà nông dân đã sử dụng như loại phân bón hữu cơ bón vào đất để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

  • Tro

Tro là chất còn lại của một số vật sau khi cháy hết và thường có màu xám. Trong nông nghiệp một số nguyên liệu thực vật như cây: sắn, bông, ngô, lá dừa, mạt cưa, v.v… sau khi bị đốt có tỷ lệ tro và chất dinh dưỡng khá cao.

2 – Phân hữu cơ công nghiệp

Phân hữu cơ công nghiệp là một loại phân được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón hữu cơ có chất lượng tốt hơn so với việc bón nguyên liệu thô ban đầu. Hiện nay có thể chia ra 5 loại phân hữu cơ công nghiệp, đó là: phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh.

2.1 – Phân hữu cơ chế biến

Phân hữu cơ chế biến là loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ với tiêu chuẩn như sau: ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 25%, hàm lượng hữu cơ tổng số
không thấp hơn 22%; hàm lượng đạm tổng số (Nts) không thấp hơn 2,5%.

2.2 – Phân hữu cơ khoáng

Phân hữu cơ khoáng là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ phối trộn thêm một hoặc nhiều yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng. Loại phân này được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ khác nhau (than bùn, mùn rác thải thành phố, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp…) phơi khô, nghiền nhỏ và ủ tự nhiên.

2.3 – Phân hữu cơ sinh học

Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật có ích hoặc các tác nhân sinh học khác. Loại phân này được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ khác nhau (than bùn, mùn rác thải thành phố, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp…) phơi khô, nghiền nhỏ, ủ lên men với vi sinh vật có tuyển chọn.

Tiêu chuẩn của phân hữu cơ sinh học như sau: Hàm lượng hữu cơ tổng số không thấp hơn 22%; Ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 25%; hàm lượng Nts không thấp hơn 2,5%; hàm lượng axit humic (đối với phân chế biến từ than bùn) không thấp hơn 2,5% hoặc tổng hàm lượng các chất sinh học (đối với phân chế biến từ nguồn hữu cơ khác) không thấp hơn 2,0%.

2.4 – Phân vi sinh

Phân vi sinh là loại phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay nhiều loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải kali, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành là mật độ mỗi chủng VSV có ích không thấp hơn 1x 108 CFU/g (ml).

2.5 – Phân hữu cơ vi sinh

Phân hữu cơ vi sinh là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một chủng vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành, cụ thể như sau: hàm lượng hữu cơ tổng số không thấp hơn 15%; ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 30%; mật độ mỗi chủng VSV có ích không thấp hơn 1 x 106 CFU/g.

III – Hạn chế của phân hữu cơ

Nhiều người làm vườn vẫn thường cho rằng, họ có thể bón một lượng tùy thích phân hữu cơ vào mảnh đất trồng trọt của mình và không cần lo lắng về việc phải bổ sung thêm bất cứ thứ phân bón nào khác. Thật không may là điều này không đúng bởi giá trị dinh dưỡng của phân hữu cơ rất thấp vì nó chỉ chứa trung bình khoảng 1,5% nitơ, phốt pho và kali mà thôi.

Nguyên do là một số vi khuẩn trong đất chịu trách nhiệm cho các phản ứng hóa học chuyển đổi chất dinh dưỡng thành các dạng thức ăn mà cây trồng có thể sử dụng. Lưu ý rằng việc giải phóng nitơ từ phân hữu cơ và phân chuồng không có sẵn ngay lập tức và có thể sẽ mất tới vài tháng để vi khuẩn trong đất chuyển hóa.

Nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, nhất là khi chế biến từ
một số loại chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm hoặc ô nhiễm thứ cấp
do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt quá mức quy định.

Cân đối hữu cơ và vô cơ không chỉ làm tăng hiệu quả sử dụng phân khoáng mà ngược lại phân khoáng cũng làm tăng hiệu lực của phân hữu cơ.

IV – Sử dụng phân hữu cơ hiệu quả

Phân hữu cơ nói chung có ưu điểm là chứa đầy đủ cácnguyên tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được. Ngoài ra, phân hữu cơ cung cấp chất mùn làm kết cấu của đất tốt lên, tơi xốp hơn, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế mất nước trong quá trình bốc hơi từ mặt đất, chống được hạn, chống xói mòn.

  • Cải tạo đất trồng

Bổ sung phân hữu cơ (compost) đã được phân hủy hoặc ủ hoai mục và tái chế thành một loại phân bón để cải tạo đất chính là để nới lỏnggiảm thiểu sự nén chặt, cải thiện khả năng thoát nướcthông khí của đất, đồng thời tăng khả năng lưu giữ các chất dinh dưỡng của đất.

Không ai có thể phủ định chất hữu cơ đất quyết định tính ổn định độ phì nhiêu đất. Mất chất hữu cơ, đất mất khả năng canh tác và nếu muốn canh tác phải có đầu tư lớn.

  • Giúp tăng hiệu suất sử dụng phân Lân (P)

Bón chất hữu cơ sẽ cải thiện được các tính chất vật lý đất, hóa học và sinh học của đất; đồng thời hạn chế mức độ độc hại của một số nguyên tố như: nhôm (Al), sắt (Fe); giảm bớt sự cố định lân trong đất dưới tác dụng kết hợp Al3+, Fe3+ dưới dạng phức chất; nâng cao sự hoà tan lân ở dạng phốt phát sắt hoá trị ba dưới tác dụng khử ôxy.

  • Giảm rửa trôi và thất thoát dinh dưỡng

Bón phân hữu cơ có tác dụng làm giảm rửa trôi, giảm bốc hơi của phân đạm bón vào. Do đó, hiệu quả sử dụng của phân đạm vô cơ tăng lên, hiệu suất sử dụng phân đạm của lúa có thể tăng lên 30-40% trên nền bón phân hữu cơ so với nền không bón.

  • Nguồn thức ăn cho VSV

Tuy nhiên các thành phần dưỡng chất được tìm thấy trong phân hữu cơ trên thực tế là một nguồn cung cấp thức ăn cho những vi sinh vật có lợi và đặc biệt là giun đất phát triển mạnh trong đất.

Cua Gạo Garden Team

Những câu hỏi thường gặp

Tại sao phải ủ phân chuồng trước khi bón cho cây trồng?

Bởi vì trong thành phần phân chuồng tươi (chưa được ủ) thường chứa rất nhiều loài vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng, nếu không được xử lý bằng ủ bằng men vi sinh có lợi thì khi bón trực tiếp vào gốc sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về bệnh hại vùng rễ. Hơn nữa, phân chuồng khi chưa được ủ sẽ lâu cung cấp dinh dưỡng hơn, do quá trình khoáng hóa kéo dài.

Nên sử dụng phân hữu cơ dùng để bón lót hay bón thúc?

Tuy trong phân hữu cơ rất giàu chất dinh dưỡng, nhưng cần phải có thời gian để vi sinh vật phân giải. Còn hàm lượng dinh dưỡng khoáng mà cây trồng có thể hấp thụ được rất thấp, chỉ chứa trung bình khoảng 1,5% đạm, lân và kali dù đã được xử lý ủ hoai. Do dó, phân hữu cơ chỉ thích hợp để bón lót, với công dụng cung cấp dinh dưỡng lâu dài

Phân hữu cơ có đặc điểm gì?

Là loại phân bón rất giàu chất hữu cơ giúp cải tạo đất trồng, tạo ra chất mùn và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy nhiên, lượng dinh dưỡng trong phân hữu cơ dưới dạng khoáng hữu hiệu mà cây có thể hấp thụ được khá ít. Do đó, phân hữu cơ là dạng phân bón cung cấp dinh dưỡng lâu dài, cây trồng không dùng được ngay mà phải qua quá trình khoáng hoá.

Tại sao phân hữu cơ dùng để bón lót?

Phân hữu cơ đa phần có chứa dinh dưỡng dưới dạng khó tan, tức là cần phải được vi sinh vật phân giải, thông qua quá trình khoáng hóa thì mới trở thành dạng dinh dưỡng hữu hiệu cho cây trồng hấp thu, còn lượng dinh dưỡng hữu hiệu khá ít. DO đó, nếu phân hữu cơ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng trong giai đoạn cần bón thúc.

Phân hữu cơ chia làm mấy nhóm?

Phân hữu cơ được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm phân hữu cơ truyền thốngphân hữu cơ công nghiệp (hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học, phân vi sinh và hữu cơ vi sinh).

Sử dụng phân hữu cơ cần chú ý điểm gì?

Giá trị thực sự của phân hữu cơ là để cải tạo đất trồng, nó giúp để nới lỏng và giảm thiểu sự nén chặt, tăng khả năng thoát nước và tạo độ thông khí, đồng thời tăng khả năng lưu giữ các chất dinh dưỡng của đất. Do đó, hàm lượng chất hữu cơ (viết tắt là OM) có trong phân hữu cơ là yếu tốt quan trọng mà bạn cần lưu ý tới, kế đến mật độ vi sinh vật có lợi và cuối cùng là không có chứa mầm bệnh.

Tại sao phân hữu cơ phải ủ cho hoai mục

– Giúp loại bỏ mầm bệnh gây hại có trong phân tươi
– Thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật có lợi
– Đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ
– Tạo ra dinh dưỡng khoáng dễ tiêu cho cây trồng
– Tránh sự cạnh tranh chất dinh dưỡng khi bón

Phân hữu cơ có hạn chế gì?

Không thể cung cấp dinh dưỡng ngay cho cây trồng, mà cần phải thông qua quá trình khoáng hóa của hệ vi sinh vật có lợi. Nếu hệ vi sinh vật có lợi này mà “không được khỏe” sẽ tạo thành mỗi trường giàu dinh dưỡng cho các loài vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Tại sao phân hữu cơ lại khó hòa tan?

Thành phần chính của phân hữu cơ là các hợp chất hữu cơ có cấu tạo rất phức tạp.

Tại sao không dùng phân hữu cơ để bón thúc?

Phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng rất chậm, nên không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng tức thời trong giai đoạn bón thúc.

Phân hữu cơ cần ủ trước khi bón bao lâu?

Trên 45 ngày là có thể sử dụng được

Biện pháp giúp phân hữu cơ mau hoai mục

Để giúp phân hữu cơ mau hoai mục chúng ta nên trộn thêm 1,5% lân1% vôi (về trọng lượng), sau đó chất đống lại, ủ mục từ 2-4 tuần sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn. Cách thêm Lân và Vôi sẽ không làm bào tử nấm Trichiderma bị chết, mà trái lại còn cung cấp thêm một lượng khoáng hữu ích sau này. Sau khi ủ xong có thể tưới bổ sung chế phẩm EM để mang lại hiệu quả tối đa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *