Phân bón lá vẫn còn lá khái niệm xa lạ đối với phần đông người chơi hoa hồng hiện nay, một phần là do nó chỉ vừa được phát triển trong thời gian gần đây nên chưa được phổ biến, mặt khác đến từ sự kì thị vô lý do không hiểu bản chất của phân bón lá dẫn tới việc sử dụng không đúng cách.
Bên cạnh hình thức cung cấp dinh dưỡng qua rễ (phân bón gốc), còn có hình thức khác cũng đang được áp dụng rất phô biến hiện nay là cung cấp dinh dưỡng qua lá (phân bón lá). Sử dụng phân bón lá mang lại hiệu quả nhanh chóng, tức thời nên nó là một hình thức giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trông lúc cần thiết rất hiệu quả.
Tuy nhiên, những ngộ nhận về phân bón lá khiến cho việc sử dụng không mang lại hiệu quả cao, thậm chí nhiều người còn bài xích phân bón lá và cho rằng sử dụng phân bón lá về lâu dài sẽ có hại cho cây. Nếu như bạn không tìm hiểu rõ về hình thức này, không biết cách sử dụng sao cho hợp lý và hiệu quả thì thật sự rất đáng tiếc. Đây là một hình thức cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời giúp giảm lượng phân bón gốc, phần nào giúp bảo vệ môi trường.
Vậy phân bón lá là gì? Có nên dùng phân bón lá cho hoa hồng hay không? Cách sử dụng phân bón lá như thế nào thì hiệu quả? Nên sử dụng loại phân bón lá nào cho cây hoa hồng thì mang hiệu quả? Hãy theo dõi bài viết bên dưới.
Nội dung bài viết
I – Phân bón lá là gì?
Lá vốn dĩ không phải là bộ phận chuyên trách cho nhiệm vụ hấp thụ dinh dưỡng của cây, thậm chí trên bề mặt lá còn có cơ chế ngăn không cho các tác nhân lạ bên ngoài xâm nhập vào. Nếu như cái gì cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong thì cây sẽ gặp nguy hiểm. Do đó, để đưa chất dinh dưỡng vào bên trong cây thông qua bộ lá là điều hết sức phức tạp, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố từ đặc điểm lá, nông độ, độ hòa tan, kích thước, độ pH, lý hoa tính,…
Phân bón lá là một dạng hợp chất dinh dưỡng hòa tàn trong nước, nó được sinh ra nhằm giúp giải quyết được các vấn đề trên, giúp đưa các chất dinh dưỡng vào bên trong lá một cách tối ưu nhất. Tùy thuộc vào mỗi loại cây trồng mà sẽ có một dòng phân bón lá riêng, được thiết kế để phù hợp với đặc điểm của bộ lá cây đó.
Tất cả các chất dinh dưỡng cho cây, gồm các chất đa lượng (N, P, K), các chất trung lượng (Ca, Mg, Si, S) và các chất vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo) đều có thể sử dụng bón qua lá. Có thể sử dụng ở dạng phân đơn hoặc phân có 2 yếu như N, P, K, N-P, N-K, P-K và có phối thêm các vi lượng khác như: B, Fe, Mn, Cu, Zn, thường là những chất cây cần nhiều và hay bị thiếu.
Hiện nay người ta cũng đã sử dụng một số chất từ các hợp chất hữu cơ như các amino acid, các Humat, các chất Vitamine, hormon tổng hợp và các Oligosacarit được tách chiết từ một loài rong biển hay Oligochitosan tách chiết từ vỏ tôm cua. Những hợp chất hữu cơ này ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách cân đối còn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tăng sức chống bệnh cho cây.
II – Cây có thể hấp thu dinh dưỡng từ đâu?
- Thông qua bộ rễ
Rễ là bộ phân chuyên dụng giúp cho cây có thể “dứng vững”, đồng thời nó cũng làm chức năng hấp thu nước và dinh dưỡng, sau đó vận chuyển lên thân và lá. Tuy nhiên, không phải phần nào của bộ rễ cũng có thể hút được nước và dinh dưỡng, mà nhờ vào miền lông hút có trên phần rễ tơ. Từ nhánh rễ chính, bộ rễ phân cấp thành các nhánh phụ nhỏ hơn và lan rộng, giúp gia tăng diện tích hút nước và dinh dưỡng.
- Thông qua bộ lá
Từ xưa tới nay, bộ lá không được phát triển để hấp thu chất dinh dưỡng, nên nó không có những bộ phân chuyên trách để làm nhiệm vụ hấp thu dinh dưỡng nào cả. Đây là con đường cung cấp dinh dưỡng nhân tạo, không phải là cách tự nhiên, vì thế người sử dụng sẽ thấy hiệu quả phân bón lá lúc nào cũng không ổn định. Khi dùng phân bón lá, phải tùy theo mỗi đặc điểm cây trồng và cách sử dụng thì cây mới hấp thụ tốt được.
III – Tác dụng của phân bón lá
So với cách bón qua đất thì hiệu suất sử dụng phân bón lá cao hơn nhiều, với hiệu suất bón qua lá có thể đạt tới 95%, cao hơn gần gấp đôi so với sử dụng phân bón gốc với hiệu suất sử dụng khoảng 45-50%. Do diện tích bề mặt của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích tiếp xúc của bộ rễ trong đất, nhờ đó mà hiệu suất sử dụng của phân bón lá tốt hơn so với phân bón gốc.
Tuy nhiên, các số liệu trên chỉ xét về hiệu suất hấp thu, không phải mức độ sử dụng phân bón. Nếu xét về khả năng cung cấp dinh dưỡng thì bộ rễ mới là bộ phận chính cung cấp dinh dưỡng cho cây nhiều hơn. Để cây trồng phát triển khỏe mạnh, một bộ rễ khỏe mạnh mới chính là nên tảng cho sự phát triển lâu dài.

Ngoài các nguyến tố đa lượng, cây hoa hồng còn cần các nguyên tố trung lượng và vi lượng để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng. Những nguyên tố trung và vi lượng thường có hàm lượng rất ít trong đất, thậm chí là không có. Do dó, nếu ta bổ sung các chất trung và vi lượng này trực tiếp thông qua lá sẽ giúp cây có đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Tóm lại, phân bón lá giúp cung cấp nhanh một số loại chất dinh dưỡng thông qua lá mà rễ cây không thể hấp thụ được. Sử dụng phân bón lá không chỉ góp phần tăng năng suất, tăng cường sức đề kháng chống lại sâu bệnh mà còn thân thiện với môi trường nhờ giảm được lượng phân bón gốc.
III – Khi nào nên sử dụng phân bón lá
Bón phân qua lá có thể mang lại hiệu quả nhanh và rõ rệt, nhưng nó chỉ là biện pháp giúp bổ sung dinh dưỡng chứ hoàn toàn không thể thay thế cho cách bón phân qua gốc thông thường. Để sử dụng phân bón lá một cách hiệu quả thì cần nên sử dụng vào lúc nào thì phù hợp .
- Rễ đang bị tổn hại do nấm bệnh, côn trùng tấn công hoặc bị động rễ, không còn đảm bảo được chức năng hấp thu nước và dinh dưỡng.
- Khi đất bị nhiễm mặn, làm hạn chế khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng của rễ cây.
- Nguồn dinh dưỡng “bị bất động hóa” do các VSV trong đất hoặc do môi trường gây ra.
- Khi đất bị chai cứng, không còn đủ lượng oxy trong đất nữa, nếu dùng phân bón gốc sẽ làm tăng nguy cơ gây chảy rễ.
- Vào thời kỳ ra hoa, bộ rễ sẽ giảm hấp thụ chất cần thiết, nên phải phun thêm qua lá để bù đắp thành phần bị thiếu hụt.
- Độ pH trong đất không còn ổn định, khiến cho bộ rễ khó hấp thu dinh dưỡng.
- Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng của rễ.
- Vào những ngày râm mát, cây hút nước và dinh dưỡng rất ít, dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong cây.
Bên cạnh đó, sự tương tác giữa các nguyên tố trong đất cũng có thể gây nên sự thiếu hụt dinh dưỡng cho cây. Bón nhiều Lân có thể gây thiếu hụt Kẽm, nhiều Kali ảnh hưởng đến Đạm và Magiê, nhiều Đồng ảnh hưởng đến Sắt, nhiều Sắt làm cây khó hấp thu và gây thiếu P, K và Kẽm.
Ngược lại, thiếu một nguyên tố này cũng có thể gây thiếu một nguyên tố khác. Thiếu Lân cũng gây thiếu Đạm. Thiếu các chất vi lượng làm cây giảm khả năng hấp thu và đồng hóa Đạm. Khi nguồn dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối, chúng ta không thể bón thêm vào gốc mà để môi trường tự cân chỉnh lại, lúc này bổ sung dinh dưỡng thông qua lá là giải pháp hiệu quả.
IV – Cách sử dụng phân bón lá hiệu quả
1 – Các con đường xâm nhập của dinh dưỡng
Chất dinh dưỡng xâm nhập vào bên trong lá cây nhờ đi xuyên qua lớp cutin (lớp sáp). Đây là lớp bên trên bề mặt của lá, được cấu tạo bởi những acid béo, tương tự như sáp, chúng không tan trong nước, và có tác dụng giúp lá cây kháng nước rất tốt. Đây là bức tường ngăn không cho dinh dưỡng thấm qua. Tuy nhiên, trên bề mặt lớp cutin có những vi rãnh rất nhỏ, chất dinh dưỡng có thể xâm nhập qua được.
Con đường thứ hai mà các chất dinh dưỡng có thể đi vào là những lỗ khí khổng trên lá cây. Đa phần các lỗ khí khổng của hoa hồng đều tập trung phía dưới mặt lá cây, cho nên cần phải phun xịt đều hai mặt lá. Phun đúng kỹ thuật sẽ góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón lá.
Cuối cùng, con đường mà các chất dinh dưỡng có thể xâm nhập vào cơ thể thực vật đó là xâm nhập qua màng tế bào lá. Hoạt động này khá bị động và hiệu suất phụ thuộc rất nhiều vào kích thước và nồng độ của các chất tan.
2 – Nồng độ ngoài lá phải cao hơn bên trong lá
Muốn dinh dưỡng đi vào bên trong thuận lợi, nồng độ chất phun phải cao hơn nồng độ có sẵn trong lá. Tuy nhiên, khi tăng nồng độ chất phun lên quá cao sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của lá, khiến cho lá cây bị cháy. Do đó, muốn tạo ra chênh lệnh nồng độ thì chỉ có cách là giảm lượng phân bón gốc lại hoặc chia lịch bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Tốt nhất nên pha nồng độ sử dụng thấp hơn so với nồng độ khuyến cáo ghi trên bao bì.
3 – Sử dụng chất hỗ trợ
Trên bề mặt lớp cutin có khả năng kháng nước rất tốt, nên chất phun sẽ rất khó bám vào lá. Do đó, bổ sung thêm chất bám dính có nguồn gốc silicone sẽ giúp giảm sức căng bề mặt để cho dung dịch được trải rộng trên mặt lá, tăng diện tích tiếp xúc và từ đó sẽ tăng tốc độ cũng như lượng dinh dưỡng vào mô lá. Ngoài ra, chất bám dính sinh học cũng góp phần loại trừ lớp đệm không khí để dinh dưỡng dễ dàng xâm nhập qua con đường khí khẩu
Việc thêm chất trải cũng làm giảm thiệt hại lá vì vào thời điểm nắng nóng, khi nền nhiệt độ môi trường tăng cao làm giảm ẩm độ, dẫn đến sự bốc thoát hơi diễn ra nhanh chóng, làm cho dung dịch dinh dưỡng trên bề mặt lá mau khô, trong khi chưa kịp mang lại hiệu lực.
4 – Thời điểm phun phù hợp
Nên phun phân bón lá vào thời điểm buổi sáng sớm, khi đã có nắng nhẹ, khoảng 6 – 10 giờ sáng là tốt nhất. Buổi sáng, khí khổng của lá mở ra tối đa nên tạo điều kiện cho dinh dưỡng dễ dàng di chuyển vào bên trong lá hơn, cần phun ướt cả mặt dưới lá. Thời điểm tốt nhất là khi trời không nắng, không mưa, không có gió khô.
V – Các loại phân bón lá
- Loại khoáng đa lượng: Trong thành phần có chứa các nguyên tố đa lượng N, P, K
- Khoáng trung và vi lượng: Có chứa các chất trung lượng (Ca, Mg, Si, S) và vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo)
- Khoáng đa vi lượng hỗn hợp: Loại phân bón được phối hợp giữa đa, trung và vi lượng.
- Axit amin: Có chứa các axit amin thiết yếu cho cây trồng.
- Chất kích thích sinh trưởng: Có chứa chất kích thích sinh trưởng. Phân bón lá atonik là một loại điển hình.
- Thành phần hữu cơ: Chứa thành phần được chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như tảo biển, rong, thảo dược,…
- Phối hỗn hợp: Được phối trộn bởi nhiều thành phần khác nhau, đôi lúc có đầy đủ tất cả các thành phần trên.
Để tăng hiệu quả hấp thu, các công ty phân bón đã không ngừng cải thiện công nghệ kỹ thuật sản xuất tạo ra những sản phẩm có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty sản xuất ra các sản phẩm còn kém chất lượng. Nên với người tiêu dùng thì cần lựa chọn những loại dung dịch phun có kích thước phân tử nhỏ có thành phần phối trộn phù hợp nhau, độ bám dính tốt và các nhãn hàng chất lượng từ các công ty uy tín.
Cua Gạo Garden Team