Xiết nước kích rễ hoa hồng đang được xem như là “giải pháp thần kỳ” có thể giúp cây hoa hồng phát triển bộ rễ một cách mạnh mẽ trong thời gian ngắn, nhưng lại không cần sử dụng tới bất kì chất kích thích sinh trưởng nào.
Tuy nghe qua có phần hơi lạ với phần đông, nhưng biện pháp xiết nước kích rễ đang làm mưa làm gió bởi tính hiệu quả và bền vững mà nó mang lại. Do không sử dụng tới bất kì chất kích thích sinh trưởng nào, mà vẫn đảm bảo cho bộ rễ sự phát triển “thần tốc” trong thời gian ngắn. Do đó, nếu như bạn có thể hiểu và áp dụng biện pháp này một cách thuần thục thì cây hoa hồng sẽ rất khỏe mạnh.
Nội dung bài viết
I – Tại sao cần phải kích rễ cho hoa hồng?
Theo cơ chế sinh tồn, cây hoa hồng sẽ ưu tiên nguồn dinh dưỡng để tập trung nuôi chồi mới, nụ hoa, hoa và quả hơn là để nuôi rễ, nhằm giúp chúng duy trì nòi giống.
Do đó, trong giai đoạn ra hoa, phần lớn chất dinh dưỡng và chất hữu cơ sẽ được vận chuyển tới chồi, nụ và hoa, còn một số ít sẽ được chuyển xuống bộ rễ, thậm chí là không có miếng nào.
Do đó, trước mỗi giai đoạn ra hoa chúng ta cần phải tạo ra một bộ rễ thật khỏe mạnh, càng khỏe càng tốt, để đảm bảo được rằng trong giai đoạn ra hoa cây sẽ vẫn hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hiểu một cách nôm na, trong giai đoạn ra hoa thì cây sẽ ngừng ra rễ, nên cần phải tạo rễ cho hoa hồng trước, cũng chính là tạo nền tảng để cây hoa hồng ra thật nhiều hoa đẹp.

II – Nguyên tắc xiết nước kích rễ hoa hồng
Xiết nước kích rễ cho hoa hồng không phải là “bỏ đói” cây hoa hồng mà là một biện pháp kỹ thuật nhằm giúp cho bộ rễ được “tập thể dục”, bằng cách kiểm soát độ ẩm và ngừng tưới nước. Thay vì tưới nước thường xuyên như thông thường, chúng ta sẽ làm ngược lại, không tưới nước để cho độ ẩm trong giá thể (hoặc đất) giảm dần theo thời gian.
Khi nhận thấy thiếu nước, buộc cây hoa hồng phải “chủ động” đi tìm nguồn nước (cơ chế sinh tồn). Hay còn gọi là “stress rễ”. Lúc này, cây sẽ nhận được tín hiệu “cảnh báo”, nó cần phải phát triển bộ rễ nhanh chóng nếu không sẽ bị “chết khát”. Nhờ đó, cây sẽ tập trung phần lớn nguồn dinh dưỡng xuống dưới để nuôi bộ rễ, thay vì đưa lên để phát thêm tược non mới, làm cho bộ rễ phát triển “một cách thần kỳ”.
Tuy biện pháp xiết nước kích rễ hoa hồng này không có gì quá phức tạp, nhưng nếu bạn không hiểu rõ và làm không đúng cách thì tỷ lệ ra rễ sẽ không như mong muốn. Cần phải ngừng bao lâu thì mới tưới lại? Cần phải chăm sóc, bón phân ra sao? hay Nên sử dụng loại giá thể nào cho phù hợp?. Có rất nhiều câu hỏi đại loại như vậy. Hãy theo dõi phần tiếp theo.
III – Điều kiện thực hiện
1 – Lựa chọn cây khỏe, có thể tự dưỡng
Không phải lúc nào cũng có thể áp dụng biện pháp xiết nước kích rễ, mà chỉ nên áp dụng cho những cây hoa hồng khỏe mạnh, không bị nấm bệnh và có một bộ lá xanh tốt. Như vậy thì mới đảm bảo được khả năng tự dưỡng của cây, mang lại hiệu quả cao nhất.
Đối với những cây đã có bộ rễ phát triển thì không cần phải áp dụng biện pháp này nữa, chỉ cần hạn chế tưới nước lại một chút để tránh tình trạng “làm biếng” của bộ rễ là được. Biện pháp xiết nước kích rễ này áp dụng hiệu quả nhất đối với những cây vừa mới sang bầu, mới thay chậu hoặc vừa trồng xuống đất. Trong giai đoạn đầu, chúng rất cần kiến thiết bộ rễ để làm “căn cơ” cho sau này.
Chỉ nên áp dụng biện pháp xiết nước kích rễ cho hoa hồng vớicây đã trồng được 7 – 10 ngày, cần đảm bảo rằng cây đã ra tược non mới, đã có đủ lượng rễ non để tự dưỡng và hút nước. Đồng thời, cần phải che phủ gốc bằng các vật liệu như rơm rạ, lá cây,…. để nhiệt độ vùng rễ luôn ổn định, giúp quá trình ra rễ mới được thuận lợi hơn.
2 – Lựa chọn giá thể
Từ trước tới nay, giá thể vốn đã đóng vai trò rất quan trọng tới sự phát triển của bộ rễ hoa hồng, chưa nói tới bạn có áp dụng biện pháp xiết nước kích rễ hay không, nhưng nếu sử dụng giá thể không tốt thì cây hoa hồng cũng khó mà phát triển được. Giá thể có quan trọng đối sự hình thành rễ, và nó quyết định tỷ lệ thành công cho biện pháp xiết nước kích rễ.
Dưới đây là các yếu tố lựa chọn giá thể
- Khả năng trao đổi cao (CEC)
- Độ đồng nhất tốt
- Không giữ nhiệt
- Nhẹ và lâu phân hủy
- Giữ ẩm tốt
- Tơi xốp và thoáng khí
- Độ pH ổn định
3 – Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ
Trước khi thực hiện biện pháp xiết nước kích rễ cho hoa hồng, chúng ta cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng gồm đa, trung và vi lượng cho bầu giá thể. Nên sử dụng những loại phân bón giàu Đạm (N) và giàu Lân (P) và có chứa các nguyên tố khác như Canxi (Ca), Magie (Mg), Kẽm (Zn), Sắt (Fe) và Boron (B).
Nguyên tố Magie (Mg) sẽ giúp cây hấp thu Lân (P) tốt hơn và ngược lại, còn Canxi (Ca) và Boron (B) là hai nguyên tố không thể thiếu trong quá trình hình thành bộ rễ khỏe mạnh. Hai nguyên tố còn lại gồm Kẽm (Zn) và Sắt (Fe) thì có vai trò giúp cho bộ rễ phát triển nhiều lông hút hơn, giúp hút nước và dinh dưỡng tốt hơn.
IV – Các bước thực hiện
Bước 1: Lựa chọn thời điểm xiết nước
Sau khi trồng được khoảng 7 – 10 ngày thì cây hoa hồng đã hồi phục gần như hoàn toàn, bộ rễ đã phát triển đầy đủ, đảm bảo được khả năng hút nước và dinh dưỡng để nuôi cây. Lúc này mầm mới sẽ bắt đầu nhú, ta có thể tiến hành xiết nước kích rễ cho cây hoa hồng.
Nếu nhận thấy cây chậm ra rễ thì thời gian xiết nước sẽ ngắn lại (từ 2 – 3 ngày), chia làm 3 – 4 lần xiết nước. Ngược lại, nếu cảm quan thấy bộ rễ đang phát triển khỏe mạnh thì thời gian xiết nước sẽ kéo dài ra (từ 5 – 7 ngày, thậm chí hơn), chia làm 2 – 3 lần xiết nước.
Bước 2: Cung cấp dinh dưỡng
Để đảm bảo tính hiệu quả, trước khi bón cần hòa tan phân bón với nước để đảm bảo lượng dinh dưỡng đã phân bố đều khắp chậu và chảy xuống tới đáy chậu. Nên bón phân trước thời điểm xiết nước kích rễ hoa hồng khoảng 2 – 3 ngày.
Công thức phân bón vô cơ
- Hòa tan NPK 20-20-15+TE với nước theo tỷ lệ 2-5g/lít nước để tưới cho chậu 10~20 lít.
- Sau 3 ngày bón thêm Canxi Nitrate với lượng 2-5g cho chậu 10~20 lít.
- Bổ sung thêm phân bón kích rễ humic tùy thích.
Công thức phân bón hữu cơ
- Bón dịch đạm cá kết hợp với bón bột vỏ trứng, vỏ tôm, hải sản,…
- Sau 3 ngày bón thêm dịch chuối.
- Bổ sung thêm phân bón kích rễ humic tùy thích.
Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng qua gốc thì bổ sung dinh dưỡng qua lá cũng đóng góp một phần giúp tăng tỷ lệ thành công. Phân bón lá giúp cho phần ngọn không bị thiếu dinh dưỡng, từ đó phát triển khỏe mạnh và sản sinh ra nhiều chất kích rễ Auxin hơn, giúp bộ rễ phát triển nhanh hơn.
Bước 3: Thực hiện xiết nước
Tuy theo điều kiện thực tiễn, trời nắng hay trời may, cây khỏe hay cây yếu, thời gian xiết nước sẽ kéo dài hay ngắn. Nếu cây phát triển khỏe mạnh thì có thể xiết nước kéo dài tới 7 ngày, ngược lại nếu quan sát thấy 2 – 3 ngày mà cây đã không chịu được (bị héo) thì cần phải tưới lại, sau đó chia thành nhiều đợt xiết.
Lưu ý: Độ ẩm của giá thể cần phải đam bảo “tính liên tục”, vì nếu độ ẩm bị gián đoạn thì rễ cây sẽ ngưng lại ngay tại chỗ khô gián đoạn đó, và nó sẽ không thể tiếp tục “lần mò” để vươn ra xa được nữa. Tốt nhất nên tưới thật đẫm, đảm bảo nước đã lan ra hết giá thể trước khi thực hiện xiết nước.

Cua Gạo Garden Team