Sâu bệnh là điều hiển nhiên khi bạn trồng bất kỳ một loại cây nào đó, và hoa hồng không nằm ngoài quy luật tự nhiên này. Nếu không thể tránh khỏi thì cách tốt nhất là nên “sống chung với lũ”, làm sao để hạn chế tối đa sâu bệnh giúp cây hoa hồng của chúng ta luôn phát triển khỏe mạnh.
Nội dung bài viết
I – Vì sao cần phòng sâu bệnh cho hoa hồng thường xuyên?
Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên bạn cảm nhận thấy vườn hồng của mình có vẻ chững lại, mầm mới thì ít, cành lá thì không còn sum xuê, hoa nở thì bé tí, nói chung là cây không còn được sung sức như trước nữa. Mặc dù đã được chăm bón với chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đầy đủ các chất dinh dưỡng, giá thể cũng không có vấn đề gì thì rất có thể là vườn hồng của bạn đang bị “bệnh nặng” rồi đấy.
Ngay cả khi nhìn vào một vườn hoa hồng đang trong giai đoạn sung sức nhất, vươn chồi bật mầm khỏe như “Thánh Gióng”, cành lá xanh mướt mắt, với chi chít bông nụ, thì cũng đừng nghĩ rằng mọi thứ đang diễn ra bình thường nhé, rất có thể đang có một “cuộc chiến khốc liệt” diễn ra bên trong vườn hoa hồng của bạn đấy.
Ngặt nỗi, trong giai đoạn mới nhiễm bệnh thì các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất khó phát hiện sớm bằng mắt thường. Việc chẩn đoán sớm một cách chính xác thì chỉ có thể thông qua quá trình phân lập trong phòng thí nghiệm (không ai rảnh mà đi làm). Do đó, đừng thấy vườn đang sung sức mà tỏ ra chủ quan, lơ là với việc phòng bệnh.
Để cây hoa hồng luôn khỏe mạnh thì tốt nhất là nên lập kế hoạch phòng sâu bệnh định kì, đừng để tới khi cây hoa hồng bị tổn thương nặng rồi mới tìm cách xử lý. Khi đó, vừa có hại cho sức khỏe, mà cây hoa hồng cũng mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục lại như ban đầu.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả và đơn giản cho cây hoa hồng, ai cũng có thể thực hiện được tại nhà. Nếu thực hiện biện pháp phòng ngừa sâu bênh tốt một cách thường xuyên thì việc chăm hoa hồng tương đối nhàn.
II – Các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh đơn giản
I – Phòng bệnh hại
- Cách 1 – Sử dụng Agrifos 400 (an toàn)
Hoa hồng được trồng tại xứ nóng thường ít nấm bệnh, nếu trồng với quy mô nhỏ thì chỉ cần giữ môi trường thông thoáng, vệ sinh lá dưới gốc thường xuyên, đặt chậu tại nơi có nhiều ánh sáng thì đã giảm tới 80% nấm bệnh. Vào mùa mưa độ ẩm tăng cao thì cần phun thuốc Agrifos 400 định kì hàng tuần để phòng nấm bệnh tấn công.
Agrifos 400 là thuốc sinh học không phải cách ly, nó không tác động trực tiếp lên tế bào nấm nhưng có thể giúp kích thích cây tiết ra một số chất đề kháng để chống lại nấm bệnh rất tốt. Trường hợp cây bị nấm nhẹ thì nên đặt cây tại vị trí có nhiều nắng, hạn chế tưới lên lá, đồng thời lặt bỏ các lá vàng bị bệnh. Sau đó, cây sẽ tự điều chỉnh cơ chế sinh học để chống lại bệnh.
Trong trường hợp cây bị nấm nặng hơn thì sẽ cần dùng tới thuốc hóa học Amistar 225SC để chữa trị. Xem cách trị bệnh tại phần tiếp theo.
- Cách 2 – Pha dung dịch Booc Đô (ít độc)
Dung dịch này thường được sử dụng rất phổ biến, nó có tác dụng phòng và trị các loại nấm bệnh trên cây trồng như là: nấm lá , thán thư, rỉ sắt , sương mai, héo nụ, rụng quả…
Nguyên liệu:
+ Đồng Sunfat (CuSO4): 1 kg
+ Vôi tôi hoặc vôi sống: vôi sống 1 kg (nếu vôi tôi thì 1,3 kg – 2,0 kg)
Cách pha:
+ Pha 1 kg Đồng Sunfat với 80 lít nước khuấy đều
+ Pha 1 kg vôi với 20 lít nước khuấy đều
Sau đó đổ từ từ dung dịch Đồng Sunfat vào dung dịch nước vôi, rồi ta khuấy đều thu được dung dịch Booc Đô. Chú ý là Không nên đổ theo cách ngược lại, tức là không được đổ dung dịch nước vôi vào dung dịch Đồng Sunfat vì nước vôi sẽ bị kết tủa, không hòa tan được.
Kiểm tra dung dịch vừa pha chế:
Lấy một cây đinh khoảng 5 phân, còn mới hoặc đã được mài bóng (hoặc mũi dao) nhúng vào nước thuốc vừa pha khoảng một phút. Lấy đinh (hoặc mũi dao) ra sẽ thấy có một lớp màu gạch cua bao phủ ở trên đinh (hoặc mũi dao).
Sau đó, để ra ngoài không khí một vài phút, nếu lớp màu gạch chuyển sang màu đen thì nước thuốc còn chua (độ pH thấp) có thể làm cây bị cháy lá. Cần phải điều chỉnh bằng cách thêm nước vôi từ từ cho đến khi nào thử lại không thấy hiện tượng bị đen như trên thì mới đạt yêu cầu.
Có thể thử bằng giấy quỳ, với độ pH kiềm nhẹ là đạt.
Cách sử dụng:
Phun phòng nấm bệnh định kỳ 15 ngày một lần, còn vào mùa mưa thì phun 7-10 ngày một lần. Cần trang bị bảo hộ đầy đủ trước khi phun phòng như găng tay, khẩu trang và mắt kính.
- Cách 3 – Mặc áo giúp cho hoa hồng (ít độc)
Các tài liệu có ghi chép rằng “KẼM” có tác dụng như một lớp áo giáp giúp bộ lá và thân đủ khoẻ để cây có thể chống chọi với bệnh tốt hơn, hoạt chất Antracol chính là “lớp áo giáp” đấy.
Phun phòng định kỳ 7 ngày/lần. Có thể kết hợp với Mancozeb vàng đan xen 2 lần để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt hơn.. Tức là sau khi phun Antracol thì 3 ngày sau phun Mancozeb. Nếu được thực hiện phun phòng đều đặn như trên vì việc chăm hoa hồng sẽ nhẹ tênh.
Liều lượng: pha đúng hoặc thấp hơn so với hướng dẫn trên bao bì.
Cần trang bị bảo hộ đầy đủ trước khi phun phòng như găng tay, khẩu trang và mắt kính.
- Cách 4: Dùng nấm đối kháng Trichoderma (an toàn)
Tưới nấm đối kháng Trichoderma định kỳ mỗi tháng một lần, có thể dùng dưới dạng bột hoặc dạng nước. Nấm Trichoderma có tác dụng như một “lớp phòng thủ tự nhiên” giúp bảo vệ cho cây trước sự tấn công của nấm/khuẩn gây bệnh.
Lưu ý: Trichoderma cũng tiêu thụ khí O2 cho nên đừng cho quá nhiều Trichoderma vào trong đất nếu đất không đủ thông thoáng, tơi xốp. Chúng gây ra hiện tượng cạnh tranh khí Oxy với rễ, khiến cho cây hoa hồng bị stress, bị vàng lá.
Liều lượng: pha đúng hoặc thấp hơn so với hướng dẫn trên bao bì.
II – Phòng bọ trĩ
Khi trồng hoa hồng tại xứ nhiệt đới thì bạn phải xác định là sống chung với cái lũ bọ trĩ này, vì chúng phổ biến tương tự như ruồi, muỗi nên sẽ chẳng bao giờ có thể tiêu diệt được một cách hoàn toàn. Khi phát hiện lá bị quăn nhẹ thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy tiếp tục quan sát và kiểm soát dịch bệnh, rồi cây sẽ hồi phục lại dần dần.
Nếu bạn trồng hoa hồng với số lượng nhỏ, khoảng dưới 100 cây thì nên sử dụng các biện pháp xua đuổi hoặc xịt thuốc sinh học/thảo mộc mà vẫn đảm bảo hiệu quả và an toàn cho con người. Bạn có thể sử dụng long não để xua đuổi bọ trĩ bằng cách cho vào lọ nhựa, đục lỗ dưới đáy rồi treo xung quanh khu vực trồng hoa theo mật độ 3m2/lọ, 1-2 tháng bổ sung hoặc thay long não.
Ngoài ra, để xua đuổi bọ trĩ thì trồng tỏi, sả, hương thảo hoặc húng chanh xung quanh khu vực trồng hoa hồng cũng giúp hạn chế bọ trĩ rất tốt. Nếu bọ trị bùng mạnh thì sẽ cần sử dụng tới thuốc hoa học để kiểm soát.
III – Phòng nhện đỏ
Bọn nhện đỏ tuy sống rất dai, kháng thuốc khỏe nhưng chúng lại rất nhạy cảm với nước. Để phòng nhện đổ thì tốt nhất là nên dùng vòi xịt nước có lực mạnh để xịt vào mặt dưới của lá, đồng thời rung cành nhẹ. Nếu cây bị nhện đỏ nặng đến mức lá bị xám và khô thì cần xịt lặp lại 3-4 liên tục để loại hết vòng đời sinh sản của chúng.
Lời kết
Hoa hồng thì có rất nhiều loại sâu bệnh hại khác nhau, nhưng phòng sâu bệnh thì đơn giản chỉ có bấy nhiêu thôi là đủ rồi. Ngoài ra, bạn cần lưu ý tới hai loại côn trùng phổ biến nữa là rệp vảy và sùng đất. Để phòng rệp vảy thì chỉ cần phát hiện thật sớm và bắt bằng tay là xong, không cần phải sử dụng thuốc. Còn sùng đất thì cần xử lý trứng của chúng có trong phân bò, phân dê trước khi sử dụng là được.
Cua Gạo Garden Team