Hoa hồng vốn được xem là loài đỏng đảnh, rất khó chiều nên chúng đòi hỏi người chăm phải rất chu đáo, chăm bón đầy đủ và phải theo dõi sự phát triển hằng ngày của chúng. Nếu muốn trồng hoa hồng ra hoa đẹp thì người chăm phải nắm vững kỹ thuật và phương pháp chăm bón phù hợp.

Với những ai yêu hoa thì hẳn sẽ rất khó có thể cưỡng lại được vẻ đẹp quyến rũ, cùng hương thơm ngọt ngào đến từ những cánh hồng rực rỡ trong nắng. Tuy hoa hồng nổi tiếng là khó chăm sóc nhưng không vì vậy mà người yêu hoa “thấy khó mà lui”, thà để cho “hồng nó chơi mình” chứ quyết không bỏ cuộc.

Tất nhiên, trồng hoa hồng không phải để rước thêm căng thẳng vào cho bản thân, mà là để có được những trải nghiệm thú vị, để cuộc sống có thêm màu sắc và hạnh phúc thêm phần trọn vẹn hơn. Ngắm nhìn những bông hoa hồng trong vườn nhà đang khoe sắc, tỏa hương thơm ngát thì nó như một nguồn năng lượng tích cực vô tận, mang lại không gian thư giãn cho các thành viên trong gia đình.

Về mặt kỹ thuật thì không còn là vấn đề nữa, khi mà các kiến thức chăm sóc hoa hồng ngày càng được chia sẻ rộng rãi. Dựa trên những kinh nghiệm “xương máu” được đúc kết từ những người đi trước, bạn chẳng việc gì mà phải lo lắng về việc “không có sư phụ” chỉ dạy nữa, đỡ phải mất tiền oan đi rất nhiều.

Cách chăm sóc hoa hồng không còn là vấn đề quá lớn mà quan trọng nhất chính là yếu tâm lý của người chăm sóc, và đỏi hỏi cả sự tân tâm của bạn đối với cây hoa hồng nữa. Bởi việc chăm sóc hoa hồng cần phải có thời gian, tính nhẫn nại và sự kiên trì thì mới đạt được thành quả.

Hãy nhớ rằng, lựa chọn đúng giống hợp với khí hậu bản địa thì việc chăm sóc hoa hồng sẽ rất nhàn nhã. Bài viết dưới đây chỉ phát huy hiệu quả khi bạn đã lựa chọn đúng giống. Để bắt đầu, hãy trồng hoa hồng dễ chăm và trồng với số lượng ít, sau khi đã có kinh nghiệm rồi thì hãy trồng nhiều. Áp dụng kỹ thuật là một chuyện, kinh nghiệm tự thân đúc kết được thì lại là chuyện khác.

Nội dung bài viết

I – Tưới nước cho hoa hồng

Hoa hồng là loại cây ưu ẩm, cần được tưới nước thường xuyên, nhưng cũng rất dễ bị úng rễ nếu như tưới quá nhiều. Tuy chỉ là công đoạn chăm sóc đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của cây hoa hồng, cần nắm rõ vài nguyên tắc khi tưới sẽ giúp cây hoa hồng luôn phát triển ổn định. Vấn đề là nên tưới vào lúc nào và tưới bao nhiêu?

Không có công thức tưới nước cụ thể, mà tùy thuộc vào tình trạng đất trồng (giá thể) và môi trường xung quanh. Cần phải quan sát liên tục để nhận biết khi nào thì nên tưới là chính xác nhất. Nếu tưới nước quá nhiều có thể làm tồn đọng một lượng nước lại tại gốc, lâu ngày sẽ làm cho bộ rễ không hấp thu được hất dinh dưỡng và dần tích tụ chất khí độc hại gây thối rễ.

Thiếu nước đôi lúc cũng có tác dụng kích thích cho rễ hoa hồng mọc sâu, nhưng thiếu nước thường xuyên sẽ làm cho cây hoa hồng bị stress, sau đó bị tuột lá và chết dần. Điều quan trọng là phải tưới nước sao cho lượng nước thấm đều hết giá thể và nên duy trì độ ẩm ở mức từ 60 – 70%. Khi mặt đất bắt đầu khô ráo là thời điểm thích hợp để tưới cho cây.

  • Vào buổi sáng

Vào buổi sáng cây cần hấp thụ lượng nước lớn để chuẩn bị cho nguyên một ngày, đặc biệt là chống nóng vào buổi trưa. Tận dụng thời điểm này để tưới nước sẽ giúp hòa toàn nhiều chất khoáng hơn, từ đó cây hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Đây là “thời điểm vàng” khi nền nhiệt độ thấp, lại có nắng nhẹ, giúp lượng ẩm dư mau thoát ra ngoài nên giúp cây phát triển khỏe mạnh, ít bệnh.

  • Vào buổi trưa

Nếu gặp thời tiết mát mẻ thì có thể tưới nước vào buổi trưa, nhưng nếu gặp thời tiết nắng gắt mà tưới nước thì có thể gây hại tới cây hoa hồng. Sự kết hợp giữa nền nhiệt độ cao với độ ẩm cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm hại phát triển. Để ý khi tưới nước vào lúc nắng nóng thì cây hoa hồng rất hay bị đen thân, đốm lá hoặc thối rễ.

Vào mùa nóng, lượng nước trong đất bay hơi nhanh làm giảm độ ẩm trong đất, lúc này không nên cấp ẩm bằng cách tưới nước mà nên dùng lá cây hoặc rơm để phủ gốc, giúp hạn chế việc thất thoát nước quá nhanh. Việc che phủ gốc vào mùa nóng cũng giúp nền nhiệt độ trong đất luôn giữ ổn định.

  • Vào buổi chiều

Nhiệt độ vào buổi chiều đã dịu đi bớt phần nào nên thời điểm này cũng rất thích hợp để tưới nước cho cây, tuy nhiên trời cũng đã bắt đầu tối nên để cho môi trường quá ẩm sẽ dễ phát sinh nấm bệnh gây hại. Tốt nhất nên tưới nước trước thời điểm 6 giờ chiều sẽ vừa giúp cây có đủ nước vừa phòng bệnh hiệu quả.

Vào ban đêm, khi nền nhiệt độ giảm xuống thì chính là lúc mà cây hoa hồng phát triển nhiều nhất trong ngày, nếu để đất thiếu ẩm vào ban đêm có thể làm chậm quá trình phát triển của cây, hoa thường xấu, lá cũng bé. Nếu nhận thấy giá thể quá khô thì nên cung cấp thêm nước vào thời điểm chiều mát. Bất đắc dĩ phải tưới nước vào tối muộn thì nên tưới một cách cẩn thận, không để nước đọng lại trên lá.

  • Kết luận, khi nào thiếu nước thì nên bổ sung, đừng để cây vào tình trạng quá khô sẽ khiến cây chậm phát triển. Vào mùa đông, không khí khô ít ẩm nên cây sẽ cần tưới nhiều nước. Tương tự, vào mùa hè nắng nóng, nước bay hơi nhanh nên cũng cần bổ sung nhiều nước bất kể sáng hay chiều.

Lưu ý: Sau khi bón phân cũng phải tưới nước vì nếu để giá thể quá khô thì lượng phân bón không tan trên mặt có thể gây ngộ độc phân bón cho cây hoa hồng và bị lụi dần.

II – Dinh dưỡng cho hoa hồng

1 – Vì sao cần bón phân thường xuyên cho hoa hồng?

Hoa hồng là loại cây “rất háu ăn” vì phải cho ra hoa liên tục và quanh năm nên quá trình hút chất dinh dưỡng diễn ra đều đặn. Nếu không bổ sung chất dinh dưỡng thường xuyên thì cây sẽ sinh trưởng chậm, chất lượng hoa ngày càng kém đi. Nếu để ý thì thời gian đầu mới mau về cây ra tược mới rất xung, hoa to và đẹp nhưng sau tầm 6 tháng thì số lượng nhánh mới bắt đầu ít dần đi.

Sau mỗi đợt ra hoa thì cây lại mất rất nhiều sức, nếu không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sau đó thì sẽ rất dễ bị bệnh hại tấn công. Đặc biệt, đối với hoa hồng trồng trong chậu thì lượng dinh dưỡng trong giá thể sẽ giảm đi sau một thời gian nên càng cần phải bổ sung kịp thời cho cây.

Dinh dưỡng là động lực của sự phát triển và bón phân là để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Một chế độ bón phân hợp lý với những loại phân bón tốt sẽ cho năng suất cây như ý, và bón phân gì thì tốt và cách bón phân cho hoa hồng như thế nào luôn là câu hỏi của các bạn dân nghiện hoa hồng.

2 – Các nguyên tố dinh dưỡng

Nắm rõ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây sẽ giúp bạn xây chế độ dinh dưỡng bài bản và khoa học. Có khoảng 13 yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho cây hoa hồng, trong đó 3 thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất gồm: Đạm (N), Lân (P)Kali (K).

  • Đạm (N)

Đạm (N) là nguyên tố đóng vai trò quan trọng nhất cho sự sinh trưởng của cây hoa hồng, nó là nguyên liệu chính để tổng hợp nên các các chất như là axit amin, protein, men, chất kích thích sinh trưởngmột số vitamin. Khi thiếu đạm (N) thì cây hoa hồng sinh trưởng chậm lại, ít phân nhánh, có lá nhỏ, ít diệp lục tố, là mau già và dễ rụng hơn. Kéo theo khả năng quang hợp của cây bị giảm hẳn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thiếu đạm trong 9 ngày thì quang hợp thuần giảm tới 25%, chất lượng hoa rất xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ đạm (N) cao sẽ khiến cây vươn cao, thân mềm, kháng bệnh kém và dễ bị sâu bệnh tấn công hơn. Tốt nhất nên cung cấp một lượng vừa phải, trên mỗi 100g đất khô cần từ 15 – 25mg. Đối với những cây cây mới trồng, chưa ra rễ mới thì cần bón ít lại.

  • Lân (P)

Lân (P) cũng là một nguyên tố quan trọng cho cây, nó là thành phần quan trọng của Axit Nucleic và màng tế bào, có mặt trong phân tử năng lượng ATP giúp vận chuyển năng lượng trong cây. Nếu thiếu lân sẽ dẫn tới việc tích luỹ Đạm dưới dạng Nitrat, gây trở ngại cho việc tổng hợp protein cho cây. Thiếu lân (P) cũng khiến cho cành, lá và rễ sinh trưởng chậm lại.

Hoa hồng cần một lượng lân (P) thích hợp là 20 – 50 mg P2O5 trên 100g đất, không nên bón quá lượng 100mg/100g đất. Cung cấp phân (P) đầy đủ sẽ giúp cho bộ rễ phát triển mạnh và hoa nở đẹp hơn.

  • Kali (K)

Kali (K) là nguyên tố mà cây hoa hồng sử dụng nhiều nhất trong bộ ba NPK, gấp 1,8 lần lượng Đạm (N). Tuy nhiên, Kali (K) có khả năng “tái sử dụng” do chúng không tham gia vào cấu tạo sinh chất như Đạm (N) và Lân (P). Tác dụng chủ yếu của Kali (K) điều tiết áp suất thẩm thấu của tế bào, từ đó giúp thúc đẩy quá trình hút nước và chất dinh dưỡng cho cây.

Việc thiếu Kali (K) cũng sẽ làm chậm quá trình sinh hưởng của hoa hồng, nếu thiếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc hút CanxiMagie từ đó làm ảnh hưởng đến độ cứng của thân cành và chất lượng hoa. Hoa hồng cần một lượng khoảng 20 – 30 mg Kali (K) trên 100g đất.

Nếu cảm thấy quá phức tạp thì bạn có thể đơn giản hóa với ý tưởng như sau:

  • Đạm (N) giúp nuôi chồi và rễ
  • Lân (P) giúp kích thích ra rễ mới, ra hoa đẹp
  • Kali (K) giúp hút dinh dưỡng, ra hoa đẹp

Bên cạnh ba nguyên tố đa lượng (NPK) thì một chất khoáng trung, vi lượng khác cũng quan trọng không kém, gồm có:

  • Canxi (Ca): Canxi có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của bộ rễchồi non. Canxi và Boron tham gia vào cấu tạo thành tế bào, giúp cây kháng bệnh tốt hơn.
  • Magie (Mg): Magie tham gia vào thành phần của chất diệp lục, ảnh hưởng tới sự quang hợp của cây. Epsom Salts (một dạng muối Magie Sulfate) được xem là “bí mật” của người trồng hoa hồng.
  • Lưu huỳnh (S): Lưu huỳnh giúp lá có màu xanh đậm và kích thích sự phát triển mạnh mẽ của cây.
  • Sắt (Fe): Hoa hồng đặc biệt rất cần chất Sắt, nó giúp sản xuất diệp lục và tham gia vào các quá trình sinh hóa khác.
  • Boron (B): Boron giúp phát triển tế bào và giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của thực vật.
  • Kẽm (Zn): Giúp cây sản xuất chất diệp lục.
  • Đồng (Cu): Giúp kích hoạt các enzyme quan trọng. Cây cần ít nhưng không thể thiếu
  • Mangan (Mn): Mangan là cần thiết để sản xuất chất diệp lục.

3 – Nguyên tắc bón phân

Đa phần người chơi hoa hồng đều trồng trong chậu, với không gian hạn hẹp như thế thì không thể nào áp dụng cách bón phân như trồng dưới đất được. Trong khi đó, phần đông người trồng hoa hồng đều có tâm lý nóng vội, muốn cho cây phát triển “thần tốc”, ra hoa thật to và đẹp trong thời gian ngắn. Kết quả là bón đủ các loại phân vào gốc.

Hôm nay được giới thiệu loại phân bón này hiệu quả thì lấy ra bón, ngày mai thấy người khác bón loại kia tốt cũng nhồi vào luôn, chẳng biết thành phần của nó như thế nào. Cuối cùng để lại một mơ bòng bong dưới gốc cây. Chưa thấy hiệu quả đâu, chỉ thấy cây hoa hồng ngày càng bị “teo tóp” dần, rồi sau đó bị “hẹo” luôn do bị ngộ độc phân bón. Trường hợp sốc phân bón trên hoa hồng thì nhiều vô kể.

Du là phân vô cơ, hữu cơ hay thậm chí là vi sinh, đều không nên sử dụng quá liều lượng. Nên hiểu rằng, lượng dinh dưỡng khi bón cần phải có thời gian tan hết vào đất, và cần phải được bộ rễ hấp thu và phân giải hết, rồi sau đó mới xem xét là có nên bón bổ sung hay không. Để có một chế độ bón phân cho hoa hoa hồng hợp lý, bạn nên tuân theo nguyên tắc 3 chữ Đ (3D) sau:

  • BÓN ĐÚNG

Mỗi giai doạn sinh trưởng của cây hoa hồng sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, nếu bón phân không đúng tỷ lệ thì kết quả nhận được sẽ không đạt như mong muốn. Ví dụ, sau cắt tỉa thì cây sẽ cần nhiều Đạm (N)Lân (P) để nuôi cho mầm, rễ mà lại cung cấp nhiều Kali (K) thì mầm sẽ đóng nụ nhanh, cành ngắn, ít lá và chất lượng hoa cũng giảm theo.

Dựa vào đặc điểm phát triển của cây hoa hồng có thể chia thành bốn giai đoạn sau để lập chế độ bón phân hợp lý:

  • Giai đoạn hoa gần tàn
  • Giai đoạn sau cắt tỉa
  • Giai đoạn đóng nụ
  • Giai đoạn ra hoa đồng loạt

Giai đoạn hoa gần tàn: Đây là giai đoạn phục hồi cho cây hoa hồng sau khi đã mất sức để ra hoa, nên sẽ cần bổ sung thêm phân bón có hàm lượng Lân (P) cao, kết hợp với cải tạo đất bằng phân kích rễ humic thì càng tốt.

Giai đoạn sau cắt tỉa (sau 7 – 10 ngày): Trong giai này cây bắt đầu nhú mầm, phát triển cành và lá mới nên sẽ có nhu cầu về Đạm (N) cao nhất, kế đến là Kali (K), tiếp theo là Lân (P), theo sau là Canxi (Ca), Lưu Huỳnh (S)Magie (Mg). Cuối cùng là các nguyên tố vi lượng với lượng rất ít như Fe, Cu, Mn, Zn, B, Mo…

Giai đoạn ra đóng nụ (sau 7 – 10 ngày): Trong giai đoạn này có hoa nở trước, có hoa nở sau sẽ cần lượng Kali (K) phải bằng hoặc cao hơn Đạm (N), còn các thành phần dinh dưỡng còn lại chỉ cần mức bình thường. Muốn hoa đẹp thì bổ sung thêm Canxi (Ca), Bo (B),…

Giai đoạn ra hoa đồng loạt (sau 7 – 10 ngày): Cần lượng Đạm (N) tăng thêm 25%, Kali (K) tăng thêm 25% và Lân (P) tăng thêm 25% thì mới đủ sức nuôi hoa và cho nở đồng loạt.

  • BÓN ĐỦ

Không thừa mà cũng không thiếu là trạng thái lý tưởng nhất cho hoa hồng phát triển, nhưng làm cách nào để biết được là khi nào là đủ, khi nào là thiếu. Trước tiên, bạn cần phải kiên nhẫn với cây hoa hồng của mình, khởi đầu bằng một liệu bón thật loãng, rồi quan sát biểu hiện, nếu thấy chưa đủ thì có thể tăng dần cho các đợt sau. Thiếu một chút dinh dưỡng bao giờ cũng tốt hơn so với thừa.

Bón phân NPK quá nhiều không những làm cho đất mau bạc màu, hạn chế vi sinh có lợi hoạt động, mà còn có nguy cơ làm cho cây bị sốc phân bón. Với phân hữu cơ và phân vi sinh cũng vậy, khi bón quá nhiều thì cây cũng không thể hấp thụ hết ngay được, làm tốn kém chi phí mà không đem lại hiệu quả.

  • BÓN ĐỀU

Nếu như cách bón của bạn chưa đủ chuẩn, nhưng kiên trì bón đều đặn hàng tuần, hàng tháng thì kết quả nhận được cũng rất tốt. Ngược lại, khi ngừng bón phân một thời gian, cây hoa hồng sẽ bắt đầu chững lại ngay, số lượng hoa ít dần và các đợt hoa về sau ngày càng kém. Tốt nhất, hãy duy trì bón phân đều đặn thì cây hoa hồng sẽ luôn khỏe mạnh, nếu có chế độ bón phù hợp thì hoa sẽ đẹp nữa.

4 – Mẹo bón phân cho hoa hồng hiệu quả

Muốn hạn chế tình trạng “nhồi phân” thì tốt hơn hết là nên bón bằng liều lượng loãng, giúp rễ thấp thụ nhanh hơn, lại không gây tồn đọng phân vô cơ gây chai đất. Nên pha với liều lượng loãng hơn so với hướng dẫn trên bao bì, khi thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp. Áp dụng theo cách này sẽ giúp bạn dễ dàng canh chỉnh liều lượng, không bao giờ gây sốc phân, lại giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Ví dụ, dùng phân đầu trâu 13- 13 – 13 hòa tan với nước theo tỉ lệ 100g pha với 100 lít, khuấy cho tan hoàn toàn rồi đậy kín dùng dần, mỗi lần tưới cách nhau 10 ngày. Mỗi lần tưới 200ml, trung bình cây hấp thụ 2 lít nước mỗi ngày.

Còn đối với phân hữu cơ thì chỉ nên bón lót trong giai đoạn đầu hoặc bổ sung định kì mỗi khi thay chậu cho hoa hồng. Tức là trộn phân hữu cơ chung với giá thể, chứ không nên rải trên mặt chậu vì lâu dần không phân huỷ hết sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn/nấm phát triển.

Muốn sử dụng phân hữu cơ để bón thúc cho giai đoạn sinh trưởng thì cần phải ngâm chúng với nước, sau đó đợi phân rã hoàn toàn thì dùng nước đó tưới vào gốc, còn lượng xác bã thừa có thể rải lên mặt chậu.

Tuy phân vô cơ tổng hợp thường mang lại hiệu quả ngay lần bón đầu, nhưng được một thời gian thì hiệu quả sẽ giảm hẳn. Lúc này, cần phải bón phối hợp với phân hữu cơ vi sinh, hạn chế phun thuốc, bổ sung thêm chất mùn (axit humic) để duy trì độ màu mỡ cho đất. Sau khi thấy cây hồi phục thì bón phân vô cơ trở lại.

5 – Hoa hồng “ăn” qua đâu

  • Nhờ vào rễ

Chức năng hút dinh dưỡng của bộ rễ thì hẳn ai cũng biết, nhưng không phải toàn bộ rễ đều hút dinh dưỡng, mà chủ yếu nhờ vào phần miền lông hút có kích thước rất nhỏ trên phần rễ tơ. Tại phần rễ già (rễ thuần thục) thì chỉ có chức năng vẫn chuyển chất dinh dưỡng lên thân, cành và lá. Do đó, nếu muốn cây hoa hông hút được nhiều chất dinh dưỡng hơn thì cần phải làm cho cây ra thêm thật nhiều rễ tơ mới.

Khả năng hấp thụ phân bón thông qua bộ rễ thường không cao, chỉ đạt được hiệu suất tầm 35 – 40% mà thôi, phần lớn lượng dinh dưỡng còn lại chưa được cây sử dụng sẽ bị rửa trôi, bay hơi ra ngoài hoặc tích tụ lâu ngày gây hỏng giá thể. Vì vậy người ta thường kết hợp bón phân qua gốc với phân bón lá để bù đắp lượng dinh dưỡng cần thiết mà cây không thể hấp thụ được thông qua bộ rễ.

  • Nhờ vào lá

Lá cũng có thể hấp thu được chất dinh dưỡng, mặc dù với lượng khá nhỏ nhưng lại có tác động lớn tới sự phát triển của cây trồng, vừa giúp giảm lượng phân bón vào đất, vừa giúp gia tăng chất lượng hoa hồng hiệu quả. Khi phun phân bón vào lá thì chất dinh dưỡng có thể thâm nhập vào cây thông qua lỗ khí khổng, khe hở tế bào, chất không bào và mang tế bào.

Hiệu suất sử dụng phân bón lá có thể mang hiệu quả cao hơn so với bón qua gốc từ 8 – 10 lần. Trong giai đoạn phát triển thì nhu cầu về chất dinh dưỡng của cây tăng cao, mà khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của bộ rễ lại bị hạn chế, mặc dù đất trồng rất màu mỡ, nên sẽ cần bù đắp thêm dinh dưỡng cho cây bằng cách sử dụng phân bón lá

6 – Chế độ bón phân cho hoa hồng

Mặc dù trong thành phần của phân hữu cơ có rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng chất hữu cơ cần phải có thời gian “khoáng hóa” bởi vi sinh vật thì cây mới hấp thụ được, đồng thời rất khó xác định được hàm lượng dinh dưỡng nên khó xử dụng hơn so với phân vô cơ.

Nếu muốn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây hoa hồng thì nên sử dụng kết hợp giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, bổ sung thêm phân vi sinh nữa thì càng hiệu quả. Đôi lúc, bạn cũng cần bổ sung thêm vi lượng qua cách bón lá, nhằm đảm bảo cây không bị thiếu dinh dưỡng.

Hiện tại, có rất nhiều loại phân bón khác nhau, những không phải loại phân bón nào cũng phù hợp với cây hoa hồng, mà còn tùy vào tỷ lệ và hàm lượng dinh dưỡng có trong loại phân bón đó.

Bảng quy trình bón phân cho hoa hồng

Giai đoạnThời điểm bónTên phân bónPhân loạiLiều lượngCông dụng
Trước cắt tỉaNgày đầuDynamic Lifter (hoặc tương tự)
Trichoderma
Nấm rễ Mycorhizar
Phân hữu cơ
Phân vi sinh
Một nắm/gốcCải tạo đất trồng
Sau cắt tỉaNgày 7 – 10YaraMila COMPLEX
Kích rễ humic
Phân NPK + TE và kích rễ humic1 – 2g/lít, tưới cho chậu 10 lítKích thích rễ và chồi phát triển
Ra chồi mớiNgày 15-21YaraMila COMPLEX
Hai ngày sau phun thêm đầu trâu 501 (hoặc tương tự)
Phân NPK + TE1 – 2g/lít, tưới cho chậu 10 lítDưỡng chồi mới ra lá khỏe
Dưỡng hoaNgày 22 – 30YaraMila COMPLEX
Hai ngày sau phun thêm vi lượng MircoCombi (hoặc tương tự)
Phân NPK + TE1 – 2g/lít, tưới cho chậu 10 lítDưỡng hoa đẹp
* Tưới nước nhẹ trước khi bón phân

Với một chế độ chăm bón phù hợp sẽ giúp cây hoa hồng sẽ phát triển toàn diện rễ khỏe, thân cứng, lá dày thì chất lượng ra hoa đã đạt được mức 80 – 85% rồi, nếu muốn hoa đẹp hơn thì có thể bổ sung thêm một ít Kali (K), Canxi (Ca) và Bo (B) vào lúc vừa chớm nụ.

Phun bổ sung phân bón lá định kì 1 tháng/lần vào giai đoạn trước khi ra hoa (giai đoạn đóng nụ), với hàm lượng vừa phải bằng cách pha loãng hơn so với hướng dẫn ghi trên bao bì, rồi phun vào thời điểm sáng sớm để mang lại hiệu quả tốt nhất.

6 – Cách xử lý khi bón mãi mà cây chẳng lớn

Trường hợp chăm bón đầy đủ mà mãi không thấy cây lớn nổi thì cần phải kiểm tra lại chất lượng giá thể. Khi giá thể quá ẩm ướt và lâu ngày có thể tạo môi trường cho vi khuẩn/nấm tấn công dẫn tới tình trạng đen rễ trên cây hoa hồng, khiến cho khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây bị kém đi.

Lúc này cần sử dụng nấm đối kháng Trichoderma bón vào gốc để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn/nấm có trong đất. Pha chế phẩm nấm Trichoderma với nước để tưới định kì hàng tháng hoặc 2 tuần/lần sẽ giúp giá thể ổn định trở lại.

Lưu ý: Tuy không gậy hại tới cây trồng nhưng nấm Trichoderma là loại nấm hiếu khí, chúng có thể cạnh tranh lượng oxy trong đất với bộ rễ, nếu bón quá nhiều có thể khiến cho cây bị stress và bị vàng lá. Tốt nhất nên pha loãng hơn so với nồng độ ghi trên bao bì. Đồng thời cần kiểm tra lại xem giá thể có thông thoáng hay không rồi mới bón.

Giá thể để lâu ngày không còn đảm bảo các yếu tố tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt cũng là một nguyên nhân khiến cây bị chậm lớn. Sau một thời gian sử dụng, các thành phần trong giá thể dần bị hoai mục gây ra tình bí tắc, giảm lượng oxy trong đất, khiến cho bộ rễ rất khó phát triển. Để cây phục hồi trở lại cần phải thay mới giá thể.

Độ pH của đất cũng ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng trên cây hoa hồng. Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của hoa hồng có tỷ lệ nghịch với độ pH. Do đó, cần phải duy trì độ pH luôn ở mức từ 5.5 – 7 để đảm bảo cây sẽ hấp thụ được tối đa các chất dinh dưỡng.

III – Cắt tỉa cho hoa hồng

Cắt tỉa làm tác động lên cây trồng, giúp loại bỏ nhanh các cành nhánh không có ích, cân đổi lại tán, kích hoạt mầm mới phát triển. Tuy nhiên, cắt tỉa thường để lại vết thương hở khiến cho cây hoa hồng dễ bị vi khuẩn/nấm có hại xâm nhập sau đó.

Trong tự nhiên thì cây vẫn có khả năng “tự cắt tỉa” nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tán không tốt bằng các cành khác, không thể tập trung sức để nuôi các cành tán theo ý mình mong muốn.

Chính vì thế mà có rất nhiều trường phái về việc cắt tỉa. Có người cho rằng hạn chế việc cắt tỉa sẽ giúp cây hoa hồng phát triển bền vững hơn, mặc dù tốn thời gian và không được đẹp như việc cắt tỉa thường xuyên. Còn có người thì để cho cây phát triển tự nhiên không cắt tỉa.

Và cuối cùng là trường phái cắt tỉa thường xuyên. Việc cắt tỉa thường xuyên sẽ giúp loại bỏ cành nhánh không mong muốn, kích thích ra mầm mới khỏe hơn, sung hơn và phát triển nhanh hơn. Đây là giải pháp được nhiều nhà vườn trồng hoa hồng lựa chọn, vì nó mang lại năng suất cao hơn, tất nhiên là phải soát mầm bệnh thật tốt mới có thể thực hiện được.

Nguyên tắc cắt tỉa

  • Cắt một góc 45°

Nên cắt ở góc 45 độ trong mọi trường hợp dù là tỉa cành hay cắt bó hoa nhé. Khi bạn chọn một cành để cắt, hãy cố gắng xác định vị trí mắt chồi hướng ra ngoài từ tâm của cây rồi cắt.

  • Giữ trung tâm thoáng mát

Để ngăn chặn sự tích tụ độ ẩm, có thể làm cho cây dễ bị bệnh nấm hoặc côn trùng xâm nhập mọi người cần giữ cho trung tâm cây thật thoáng mát, bấm tỉa hết các cành dăm cành khô, lá mà nó hướng vào trong đi.

  • Bấm tỉa hoa tàn

Khi trổ hoa, cây hoa hồng sẽ tập trung nguồn dinh dưỡng cho những bông hoa này. Thậm chí ngay khi đã tàn thì những nhánh hoa tàn vẫn “ngốn” không ít dinh dưỡng của cây. Nếu để lâu ngày thì cây sẽ bị mất sức để nuôi phần cuống hoa tàn này mà không thể phân phối dinh dưỡng nuôi mầm mới được. Việc cắt tỉa sau khi hoa tàn sẽ giúp cây hồi phục lại mau hơn.

Để hạn chế vi khuẩn/nấm tấn công vào vết thương hở thì trước khi thực hiện cắt tỉa cần phải vệ sinh dụng cụ bằng dung dịch sát khuẩn. Thông thường thì chỉ cần sử dụng cồn 90o để sát khuẩn là được.

Cân nhắc khi “trảm sâu”

Phương pháp “trảm sâu” rất hiệu quả trong việc kích thích mầm mới ra khỏe hơn nhưng nó cũng là “con dai hai lưỡi” nếu như bạn không biết cách phòng bệnh, cũng như không có một chế độ chăm bón phù hợp. Nếu gặp phải điều kiện thời tiết không thuận sẽ khiến cho cây lụi rất nhanh chóng. Do đó, nếu muốn áp dụng phương pháp “trảm sâu” thì bạn cần phải là người rất chuyên nghiệp.

  • Không cắt tỉa khi nắng nóng

Nên lựa chọn thời điểm mát mẻ như là vào buổi sáng hoặc buổi chiều để thực hiện việc cắt tỉa. Điều này giúp cho vết cắt mau khô lại và lành nhanh hơn. Đối với vùng miền có khí hậu lạnh và mưa nhiều thì nên chọn ngày nắng ráo để thực hiện.

IV – Phòng ngừa bệnh hại

Sở dĩ hoa hồng khó chăm là bởi chúng rất dễ cuốn hút các loại côn trùng, sâu bọ và vi khuẩn/nấm hại tấn công, cứ hở ra là bị mắc đủ các loại bệnh, nếu không chữa trị kịp thời thì cây sẽ lụi dần. Trồng hoa hồng có thành công hay không phụ thuộc vào cách bạn phòng bệnh cho cây thế nào.

Tuy nhiên, bạn không cần phải biết cách “trị bách bệnh” mà chỉ cần tập trung vào mốt số loại bệnh phổ biến trên cây hoa hồng là đủ. Nếu kiểm soát tốt các loại bệnh phổ biến này thì bạn đã thành công tới 80% rồi. May thay cách phòng và trị các loại bệnh hại thì rất nhiều, tha hồ mà lựa chọn.

Về bệnh hại thì cần phòng các loại bệnh như là đen thân, đốm lá, thán thư, sương mai,… Về côn trùng thì cần quản lý tốt “bọn” bọ trĩ, rệp vảy và nhện đỏ là đủ. Công tác phòng bệnh cần thực hiện định kì và thường xuyên, ngay cả khi vườn trông “rất khỏe mạnh”, chỉ một chút chủ qua thôi cũng đủ để khu vườn nát bét trong nhát mắt. Thực hiện phun phòng định kì tốt thì việc chăm sóc hoa hồng sẽ nhẹ tênh.

Đặc biệt là vào mùa mưa, thời tiết lúc nào cũng ẩm thấp sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn/nấm hại tấn công. Để phòng bệnh cho cây hoa hồng trong giai đoạn này thì cần thực hiện các bước sau:

  1. Dọn dẹp cỏ, rác, lá cây cho thoáng gốc, giảm độ ẩm của vườn.
  2. Cắt tỉa cho gọn cây vào lúc trời khô ráo, mát mẻ. Chét keo lành sẹo cho vết cắt.
  3. Sát trùng kéo liên tục trong quá trình cắt tỉa để tránh lây lan nấm bệnh.
  4. Phun phòng khử trung bằng Benkona. Tháng sau thay thuốc, dùng Physan 20 với nống độ 1ml/lít nước.
  5. Hằng ngày quan sát, loại bỏ toàn bộ lá bệnh, cành bệnh.
  6. Cách ly cây bệnh, đưa vào chỗ mát mẻ, hạn chế tưới, nhưng vẫn phải giữ cho đất đủ ẩm.

Nếu cây bị bệnh quá nặng thì phải thật kiên trì chứ không phun thuốc quá mức, vì dù có tăng liều lượng, tăng tần suất thì cũng không giải quyết được vấn đề, thậm chí có thể mang lại tác dụng ngược. Do đa số các loại thuốc trừ bệnh có tính nội hấp và thời gian tồn dư, nên giữ lại hiệu lực khá lâu trên cây. Khi phun thuốc quá liều thì cây có thể không bị chết, nhưng sẽ bị đứng một thời gian rất lâu mới hồi phục lại.

Cua Gạo Garden Team

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *