Từ xưa, phân hữu cơ đã được sử dụng rất phổ biến và nó hoàn không để lại hậu quả nào đối với môi trường, sức khỏe như phân bón vô cơ. Vậy việc bón phân hữu cơ cho đất có tác dụng gì? Hãy theo dõi bài viết này.
Lạm dụng phân vô cơ quá nhiều sẽ gây hại tới đất trồng cây, mà lượng phân bón dư thừa lại không được cây trồng hấp thụ hết, vừa gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Lợi ích của phân bón hữu cơ cho đất trồng đã được minh chứng rất rõ ràng từ hàng ngàn năm nay.
Nền tẳng của cây trồng chính là bộ rễ, mà muốn cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh thì trước hết phải quan tâm tới “sức khỏe” đất trồng. Khi đã hiểu được vai trò của chất hữu cơ trong việc duy trì và cải tạo “sức khỏe” của đất trồng sẽ giúp thực hành sinh thái nông nghiệp bền vững.
Nội dung bài viết
I – Chất hữu cơ trong đất
1 – Tầm quan trọng của chất hữu đối với đất
Thành phần chính của chất hữu cơ trong đất là carbon hữu cơ, nó có nguồn gốc từ sinh vật sống và thực vật. Việc tích lũy carbon hữu cơ trong đất có thể làm giảm nồng độ CO2 và cải thiện chất lượng của đất trồng. Khi hàm lượng carbon hữu cơ trong đất xuống dưới 1%, “sức khỏe” của đất trồng có thể bị hạn chế và có thể ảnh hương tới sự phát triển cua cây trồng.
Nguồn chất hữu cơ trong tự nhiên gồm có hai loại gồm đã phân giải và chưa phân giải. Chất hữu cơ chưa phân giải sẽ vẫn còn nguyên hình dạng ban đầu như xác bã động vật, thực vật và xác vi sinh vật. Chất hữu cơ đã phân giải sẽ là những hợp chất khoáng và mùn. Bổ sung phân bón hữu cơ vào trong đất có thể giúp cải thiện các đặc tính sinh, hóa, lý và độ phì nhiêu của đất trồng.
Để cải thiện chất lượng canh tác, trước tiên phải quản lý tốt “tàn dư thực vật”, vì chúng ảnh hưởn tới số lượng và chất lượng của chất hữu cơ trong đất, thông qua đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của cây trồng, cũng như tính bền vững của đất. Chất hữu cơ trong đất đóng một vai trò quan trọng trong chu trình dinh dưỡng và có thể giúp cải thiện cấu trúc của đất.
2 – Quá trình phân giải hữu cơ trong đất
Chất hữu có trong đất không tự mình chuyển đổi thành chất khác mà nó cần có sự tham gia trực tiếp của các vi sinh vật sống trong đất. Một phần chất hữu cơ sẽ bị khoáng hóa giúp tạo ra nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, một phần được chuyển hóa thành hợp chất cao phân tử được gọi là chất mùn, phần còn lại là nguồn thức ăn cho vi sinh vật sử dụng.
2.1 – Quá trình khoáng hóa
Cây trồng không thể hấp thu trực tiếp các chất hữu cơ trong đất, mà chúng chỉ có thể hút được dưới dạng chất khoáng đơn giản như CO2, H2O, NO3–, NH4+, HPO4–,Ca2+, Mg2+, K+… Như vậy, giá trị dinh dưỡng của phân hữu cơ rất thấp, nó chỉ chứa trung bình khoảng 1,5% nitơ, phốt pho và kali mà thôi.
Để chuyển hóa chất hữu cơ thành chất khoáng đơn giản, cần phải trải qua quá trình khoáng hóa, được thực hiện bởi các loài vi sinh vật phân giải hữu cơ. Trước hết, chất hữu cơ phức tạp sẽ được phân giải thành những đoạn đơn giản hơn, ví dụ như mạch peptit > axit amin hoặc cacbon hyđrat > đường đơn. Sau đó, các hợp chất trung gian này tiếp tục bị phân huỷ tạo thành các chất khoáng.
Tùy vào điều kiện môi trường và hoạt động của các loài vi sinh vật trong đất, là hiếu khí hay yếm khí, mà có hai con đường phân giải chất hữu cơ khác nhau là thối mục và thối rữa.
- Thối mục
Là quá trình phân giải chất hữu hữu cơ trong điều kiện hiếu khí (giàu khí oxy). Sau quá trình này sẽ thu được các chất dưới dạng oxy hóa bao gồm CO2, H2O, NO3-, PO43-, SO42-. Do đây là quá trình tỏa nhiệt nên nó sẽ làm tăng nhiệt độ của đất.
- Thối rữa
Là quá trình phân giải chất hữu hữu cơ trong điều kiện yếm khí (thiếu khí oxy). Sau quá trình này sẽ thu được các chất dưới dạng khử bao gồm CH4, H2S, PH3, NH3… và một số ít chất ở dạng oxy hoá như là CO2, H2O.
2.2 – Quá trình mùn hóa
Mùn hoá là quá trình phân giải tái tổng hợp các chất hữu cơ tạo thành chất mùn dưới sự hoạt động của các loài sinh vật đất. Chất mùn là một loại hợp chất hữu cơ cao phân tử phức tạp, có thành phần gồm Axit Humic và Axit Fulvic. Mọi thành phần hữu cơ trong đất (protein, linhin, lipit, axít amin, hydratcacbon….) đều có thể là vật chất tham gia hình thành chất mùn.
II – Tác dụng của việc bón phân hữu cơ
1 – Cải thiện lý tính đất
Phân hữu cơ khi bón vào đất sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng đoàn lạp bền và lỗ hổng của đất, do đó tăng độ thấm nước của đất, giữ ẩm tốt hơn, giảm xói mòn đất, lưu thông không khí, tạo điều kiện cho rễ cây và vi sinh vật phát triển. Bón phân hưu cơ có thể làm tăng độ xốp của đất thêm 8 – 11%, đồng thời giúp tăng khả năng giữ ẩm thêm 5 – 15%.
Ngoài ra, phân hữu cơ bón vào đất sẽ giúp cho đất thoát nước tốt hơn, cải thiện tình trạng ngập úng. Việc bón phân hữu cơ trên những loại đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng sẽ giúp cải tạo lại đất, từ đó giúp cho bộ rễ cây phát triển tốt, tăng cường sự thu hút chất dinh dưỡng.
2 – Cải thiện hóa tính đất
Phân hữu cơ khi bón vào đất sẽ giúp sẽ được vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, giúp cung cấp cho đất các loại chất dinh dưỡng như chất mùn, axit amin và một lượng lớn các chất dinh dưỡng khoáng cho cây trồng. Tuy nhiên, thời gian để phân giải thành chất dinh dưỡng sẽ rất lâu nên phân hữu cơ sẽ thích hợp để bón lót hơn là bón thúc.
Nhờ tính chất đặc biệt của chất mùn, nên khi bón phân hữu cơ sẽ làm tăng khả năng hấp thụ và trao đổi các cation trong đất. Khả năng hấp thụ cation của chất mùn sẽ giúp giữ lại các chất dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi nên người ta thường nói chất hữu cơ làm tăng sức giữ phân của đất. Hiểu nôm na, phân hữu cơ chính là “kho chứa” giúp đất lưu trữ chất dinh dưỡng.
Gia tăng chất mùn cho đất, tăng khả năng giữ dinh dưỡng cho đất, tăng khả năng điều chỉnh của đất khi bón dư thừa phân hóa học, khắc phục các ảnh hưởng xấu như cháy lá, lốp đổ … Bón phân hữu cơ còn làm tăng khả năng chống chịu của đất khi bị chua hóa đột ngột do ảnh hưởng của bón phân hóa học, làm đất ít chua hơn.
3 – Cải thiện đặc tính sinh học của đất
Phân hữu cơ không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng phát triển mà nó còn là nguồn thức ăn cho vi sinh vật hoạt động. Hệ vi sinh vật sống trong đất chính là nền tảng cho “sức khỏe” của đất trồng, chúng giúp hỗ trợ bộ rễ phát triển khỏe mạnh, lan rộng và kháng lại bệnh tốt hơn. Đất sẽ gần như trở thành “đất chết” nếu hệ vi sinh vật đất không hoạt động được.
Khi bón phân hữu cơ sẽ giúp số lượng vi sinh vật trong đất gia tăng lên rất nhiều so với việc không bón hữu cơ. Khi các vi sinh vật này được “ăn no”, chúng sẽ tạo ra một số các chất điều hòa sinh trưởng, kích thích tố cần thiết cho quá trình sinh trưởng cây trồng.
III – Sử dụng bón phân hữu cơ hiệu quả
Phân bón hữu cơ giúp cải thiện hàm lượng chất hữu cơ trong đất, nhưng hàm lượng tăng không đáng kể khi bón liên tục. Do đó, có bón thêm nhiều phân hữu cơ cũng không giúp tăng thêm mà nó sẽ bị chững lại. Hện chế quá trình khoáng hóa, tăng cường quá trình mùn hóa để nâng cao hàm lượng carbon trong đất.
Hàm lượng carbon hữu cơ trong đất gia tăng là mấu chốt mang lại hiệu quả bón phân hữu cơ, bởi nó giúp duy trì cấu trúc xốp, CEC cao, nhiều nhóm định chức bề mặt nên có khả năng giữ dinh dưỡng tốt hơn. Đặc biệt tạo môi trường cho vi sinh vật đất phát triển.
Cua Gạo Garden Team