Muốn trồng hoa hồng thành công thì bạn cần phải biết cách trộn giá thể trồng hoa hồng trước tiên, vì giá thể là yếu tố quan trọng cho bộ rễ phát triển. Chúng cần môi trường thích hợp cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh, và khi rễ phát triển khỏe thì cây sẽ hấp thu được nhiều dinh dưỡng và ra hoa đẹp.
Không khó để tìm mua được giá thể trồng hoa hồng trộn sẵn trên thị trường, với rất nhiều dòng quảng cáo “đường mật” về độ hiệu quả, nhưng thành thật mà nói thì chất lượng lại không đạt như mong muốn. Điều này khiến cho người chơi hoa hồng phải bỏ ra một khoản chi phí kha khá mà hiệu quả thu về rất “vô thưởng vô phạt”.
Trong khi đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp lâu đời, có nguồn tài nguyên dồi dào, chất lượng mà giá thành thì lại rất rẻ. Cách trộn giá thể trồng hoa hồng cũng rất đơn giản, nên không việc gì phải mua giá thể trộn sẵn làm gì, đặc biệt là những loại giá thể ngoại nhập với giá thành rất đắt đỏ.
Đây là phần đâu tiên trong chuỗi bài viết “Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng” của CGG. Trong phần này bạn sẽ biết được cách tạo ra “môi trường” gần giống yêu cầu của hoa hồng, từ đó giúp cho cây hoa hồng phát triển khỏe mạnh, ra hoa đẹp.
Nội dung bài viết
I – Thế nào là giá thể trồng hoa hồng tốt?
Tùy theo từng điều kiện tại địa phương mà mỗi người có một công thức trộn giá thể trồng hoa hồng khác nhau, không có loại nào gọi là tối ưu và hoàn hảo cả. Rễ của hoa hồng thường chỉ phân bổ trên tầng mặt, khoảng từ 60cm trở lên phía mặt, một số ít có thể vươn sâu tới 100m. Hoa hồng thích hợp với những loại đất có độ thông thoáng từ 25 – 30% để cho bộ rễ có không gian phát triển.
Trong điều kiện thoáng khí thì rễ thành thục (rễ già) sẽ có màu vàng nâu, còn rễ non có màu trắng, trong môi trường không thoáng khí sẽ có đen, rất ít rễ mới, thường bị nứt nẻ và dễ nhiễm bệnh. Do đó, giá thể trồng hoa hồng sẽ thường được thêm nhiều các loại nguyên liệu có đặc tính tơi xốp và thông thoáng như là: xơ dừa, vỏ lạc, vỏ trấu, rơm rạ, vỏ đỗ, xỉ than tổ ong, bã mía…
Bản chất của việc trộn giá thể là chúng ta tạo ra nền cho bộ rễ phát triển, giúp chúng dễ dàng tìm kiếm nước, dinh dưỡng để nuôi cây sinh trưởng.
Càng tạo ra được “nền” phù hợp với chúng bao nhiêu thì mức độ phát triển sẽ tương ứng bấy nhiêu, còn loại đất không phù hợp thì cũng không hẳn sẽ làm cây chết mà chúng sẽ chỉ phát triển lẹt đẹt, dễ bị bệnh và chỉ tồn tại là chủ yếu.
Vậy thì làm sao để tạo ra “nền” phù hợp cho ra hoa hồng? Có lẽ đây là một câu hỏi rất khó trả lời, cần phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức, thời gian khảo nghiệm và tìm tòi cái mới.
Những điều mà chúng ta đang biết được cũng chỉ là một phần nhỏ trong đại dương kiến thức bao la. Có thể trông tương lai sẽ có nhiều loại giá thể chất lượng hơn, còn bây giờ thì chúng ta vẫn có thể tạo ra những loại giá thể rất tốt.

Trong đất tự nhiên luôn tồn tại 3 thể: rắn, lỏng và khí. Tỷ lệ giữa ba thành phần này thay đổi theo thời gian, và phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, cũng như sẽ thay đổi theo các mùa trong năm. Mức độ thông thoáng của đất giúp cho không khí dễ dàng xuyên qua đất, cung cấp lượng oxy cần thiết cho rễ cây hô hấp, đồng thời giúp cho VSV hiếu khí hoạt động ổn định.
Nếu thiếu đi lượng oxy cần thiết thì sẽ dấn tới việc rễ không đủ năng lượng, làm giảm hiệu quả hút nước và chất dinh dưỡng lên phía trên nuôi cây. Thiếu oxy trong đất cũng tạo điều kiện cho quá trình phân giải yếm khí của VSV diễn ra trong đất, tạo thành các chất gây độc cho bộ rễ, dẫn tới hiện tượng úng rễ. Thiếu oxy cung là nguyên nhân làm thay đổi dạng tồn tại của một số chất có thể gây hại cho rễ.
Khảo nghiệm về mật độ oxi trong đất:
- Cây trong trạng thái tồn tại: 3% oxi trong đất
- Phát triển bình thường: 5-10% oxi trong đất
- Phát triển rễ mới: 12% oxi trong đất
- Kết luận chung: Hầu hết oxi <10% đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cây trồng
Tóm lại, hàm lượng không khí trong quá thể luôn phải được duy trì để cho bộ rễ khỏe mạnh và phát triển.. Tuy nhiên, giá thể mà quá thông thoáng sẽ làm giảm khả năng giữ nước và dinh dưỡng cho cây trồng. Tốt nhất nên phối trộn các thành phần một cách hợp lý, để đất vừa đủ ẩm, đảm bảo thoát nước tốt, thoáng khí và tơi xốp.
Tựu chung lại giá thể trồng hoa hồng tốt sẽ cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Thông thoáng là yếu tố quan trọng thì mới có đủ lượng oxy cho bộ rễ hoạt động
- Thoát nước tốt nhưng cũng cần giữ ẩm tốt
- Rễ cây cần tơi xốp để dễ vươn dài ra, chứ cứng như đá thì đâm vào đâu được?
- Phải có thành phần keo giữ dinh dưỡng
- Nguyên liệu sẵn có, sạch, rẻ và dễ tìm
- Càng bền, càng ổn định và có thể tái sử dụng thì càng tốt
II – Các loại thành phần trong giá thể
1 – Dinh dưỡng
Hoa hồng là loại cây ra hoa quanh năm, nên chúng rất rất “hám ăn”, có nhu cầu về dinh dưỡng cực kì cao. Nếu cây hoa hồng thiếu đi một vài chất dinh dưỡng then chốt thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra qua biểu hiện bên ngoài, đó là hiện tượng cây chậm lớn, lá nhỏ, đọt ngăn, ít ra hoa, màu nhợt nhạt và rất dễ bị sâu bệnh tấn công.
Do đó, việc bổ sung dinh dưỡng vào trong giá thể trông hoa hồng lúc ban đầu rất quan trọng, và nếu muốn cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây thì phân hữu cơ là một sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, lượng dinh dưỡng được phối trộn ban đầu này là vẫn chưa đủ, mà còn cần phải bón phân đều đặn sau đó nữa, nếu như bạn muốn cây hoa hồng của mình ra hoa đẹp. Quá trình bón phân cho cây hoa hồng ra hoa đẹp sẽ được đề cập tại phần III.
Vậy cần phải thêm những các thành phần dinh dưỡng nào cho giá thể trồng hoa hồng để giúp chúng có thể phát triển một cách khỏe mạnh và bền vững? Dưới đây là một số thành phần dinh dưỡng được đề xuất cho bạn:
1.1 – Phân dê
Phân dê được đánh giá là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất phù hợp với hồng, được người trồng hoa hồng rất ưu chuộng để bón lót cho cây hoa hồng. Theo một số tài liệu thì phân dê chứa khoảng N – 3%, P – 1%, K – 2% và nhiều trung, vi lượng cần thiết cho hoa hồng như Fe, Bo, Ca, Zn, Mg… Phân dê có đặc điểm tan khá chậm trong đất nền hàm lượng khoáng phân giải không cao, không làm cháy rễ của cây trong giai đoạn ban đầu. Giá thể được trộn thêm phân dê khá an toàn với cây hoa hồng.
Đặc điểm hạt tròn lâu tan của phân dê cũng góp phần tạo ra độ thông thoáng cho giá thể. Đồng thời nó còn có tác dụng như một chất giữ ẩm rất hiệu quả. Trên thực tế, giá thể được phối trộn thêm phân dê đã xử lý giúp cây hoa hồng phát triển rất khỏe mạnh, sai hoa và bông đẹp.
Tuy nhiên, phân dê vẫn có những nhược điểm, đó là bên trong phân dê thường có chứa các hạt cây dại nên thường xuyên phải nhặt cỏ, đôi khi còn có cả ấu trùng của bọ cánh cứng hay còn gọi là sùng đất. Sùng đất sống trong đất tới 9 – 10 trong đất trước khi hóa nhộn, và chúng có thể cắn hại tới rễ cây hoa hồng rất ghê gớm, nên cần phải xử lý phân dê thật kỹ trước khi sử dụng. Nếu phân dê đã được ngâm nước thì sẽ bị giảm chất lượng, vì vậy lựa chọn nó là vấn đề nhức nhối.
1.2 – Phân bò
Phân bò rất được ưu chuộng làm nguyên liệu phối trộn cho giá thể trồng hoa hồng, chúng không chỉ có giá thành rẻ mà còn có nhiều ưu điểm “phù hợp” với cây hoa hồng. Phân bò có khả năng giữ ẩm tốt, giúp thoát nước tốt và cải thiện độ tơi xốp của đất. Giá thể có được độ tơi xốp từ phân bò sẽ giúp bộ rễ luôn phát triển rất nhanh, từ đó cây hoa hồng có thể hấp thụ được dinh dưỡng tốt hơn. Các chất hữu cơ trong phân bò còn giúp giữ độ pH luôn được ổn định.
Tuy nhiên, phân bò không có hàm lượng dinh dưỡng cao, và được đánh giá là có chất lượng dinh dưỡng thấp nhất trong các loại phân chuồng. Và tương tự phân dê, trong phân bò thường có nhiều hạt cỏ dại, nhiều ấu trùng và cả những bào tử ngủ của nấm, xạ khuẩn, vi khuẩn… có thể gây hại cho cây hoa hồng. Do đó, muốn sử dụng phân bò cho giá thể thì cần phải được ủ hoai bằng men vi sinh có lợi trước.
1.3 – Phân trùn quế
Phân trùn quế là một dạng phân hữu cơ vi sinh, tức là ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng thi phân trùn quế còn có tác dụng bổ sung lợi khuẩn, có tác dụng cải thiện độ màu mỡ cho đất. Ưu điểm của phân trùn quế là có thể sử dụng được ngay mà không phải lo lắng về các vấn đề gây bệnh, hạt cỏ dại hay ấu trùng như phân bò và phân dê.
Đôi khi, trong một số loại phân trùn quế tươi được lấy trực tiếp từ trang trại trùn quế sẽ còn lưu lại kén, trứng trùn và trùn con giúp bổ sung thêm nguồn sinh vật có lợi cho giá thể. Phân trùng quế có chứa đầy đủ các loại khoáng chất cần thiết cho cây hoa hồng như đạm, lân, kali, canxi, magie, mangan, đồng, kẽm, coban, borat, sắt,…
Với hàm lượng lợi khuẩn có trong phân trùn quế, sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cây và giúp hồi phục các cây bị yếu, các cây mới được vận chuyển. Hơn nữa, phân trùn quế rất lành tính, không gây ra hiện tượng sốc phân, nên có sử dụng nhiều cũng không sao. Trên thực tế, có một số trường hợp sử dụng 100% phân trùn quế làm giá thể trồng hoa hồng cho kết quả rất tích cực.
1.4 – Phân dơi
Phân dơi là nguồn cung cấp hàm lượng dinh dưỡng N-P-K hợp lý cho cây trồng, đặc biệt là đạm (Nitơ) và lân (Phốt pho). Trong phân dơi, N là thành phần quan trọng để duy trì sự sống. Nhờ có N, giúp cây có thể quang hợp tốt. Giúp cây sinh trưởng và phát triển chồi non, khung xương của cây, hạn chế khô cành, rụng đốt.
1.5 – Phân hữu cơ
Phân hữu cơ có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng những hợp chất hữu cơ và được dùng trong sản xuất nông nghiệp rất phổ hiện nay. Khi trộn phân bón hữu cơ vào giá thể trồng hoa hồng sẽ giúp cải tạo thiện độ tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho và đồng thời bổ sung thêm các loại vi sinh vật có lợi.
Đây là những loại phân bón có nguồn gốc hình thành từ chất thải gia súc gia cầm, tàn dư thân lá cây, thụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ thải từ sinh hoạt, nhà bếp, nhà máy sản xuất thủy, hải sản… Loại phân này rất an toàn do đã được xử lý loại bỏ các mầm bệnh. Có thể bổ sung thêm một ít nếu như thấy cần thiết.
1.5 – Phân tan chậm
Tuy có giá thành hơi đắt nhưng phân tan chậm là một sự lựa chọn phù hợp dành cho người ít có thời gian chăm sóc hoa hồng. Trong phân tan chậm thường sẽ được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng gồm đa, trung, vi lượng với nồng độ phù hợp với cây hoa hồng, giúp cung cấp dinh dưỡng từ từ trong khoảng thời gian dài từ 3 – 12 tháng tùy loại.
Tốt nhất là nên chọn loại phân tân chậm có kiểm soát (controlled release fertilizer), chúng sẽ có tác dụng cung cấp khoáng chất liên tục cho cây hoa hồng với liều lượng vừa đủ, mà không làm cây bị sốc phân, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc bạn bón phân định kì. Việc bón phân thông thường chỉ mang lại hiệu quả sử dụng khoảng 35-40%, lượng còn lại sẽ bị rửa trôi hoặc tích tụ lại trong đất làm hư chất trồng.
Như vậy phân tan chậm (CRF) khá tiết kiệm so với khoản chi phí phải bo ra vì nó hiệu quả cao hơn, lại cung cấp lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của cây hoa hồng, đồng thời tiết kiệm thời gian chăm bón.
2 – Vật liệu nền
Vật liệu nền là thành phần chính trong giá thể trồng hoa hồng, giúp tạo ra môi trường cho bộ rễ phát triển, nếu quá tơi xốp thì khoáng chất sẽ dễ bị rửa trôi, ngược lại sẽ gây bí ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ rễ và làm giảm khả năng hút nước và lấy khoáng chất cho cây.
2.1 – Đất đỏ Bazan
Đất đỏ Bazan thường được khai thác từ các mỏ đất tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh Tây Nguyên. Loại đất này thường chưa qua canh tác trồng trọt nên có đặc điểm khá tơi, mịn, màu đỏ sậm, có chứa nhiều khoáng chất, độ phì nhiêu tự nhiên cao. Giá thể trồng hoa hồng có thành phần đất đỏ Bazan sẽ giúp tăng khả năng chống rửa trôi dinh dưỡng và giữ ẩm rất tốt.
2.2 – Xơ dừa
Xơ dừa có khả năng giữ ẩm rất tốt, hạn chế bốc hơi nước, phù hợp với những nơi có nhiều nắng hoặc người chơi không nhiều thời gian để tưới nước thường xuyên. Xơ dừa cũng có tác dụng làm cho giá thể tơi xốp, thoáng khí hơn. Thực tế cho thấy giá thể có chưa thành phần xơ dừa với tỷ lệ phù hợp sẽ giúp cho bộ rễ hoa hồng phát rất mạnh.
Tuy nhiên, trong xơ dừa thường có chất chát nên cần phải xử lý trước sử dụng, nếu không có thể làm ảnh hưởng tới bộ rễ của hoa hồng. Nếu trồng với lượng ít thì chỉ cần ngâm qua nhiều lần nước, còn nếu sử dụng với tỷ lệ cao thì cần phải xử lý ngâm qua nước vôi.
- Xem chi tiết: Hướng dẫn cách xử lý xơ dừa hiệu quả
2.3 – Phân rơm hoai mục
Sau mỗi vụ thu hoạch, lượng rơm còn dư lại thường sẽ bị đốt bỏ rất lãng phí nhưng hiện nay rơm đã được tận dụng làm phân bón mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Rơm sau khi thu hoạch sẽ được xử lý bằng chế phẩm vi sinh nấm Trichoderma, giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm rạ, quá trình này cũng giúp gia tăng lượng vi sinh vật có lợi cho đất.
Trong thành phần của rơm có chứa tới 60% cellulose và 14% lignin, khi được phân giải sẽ tạo thành nguồn hữu cơ màu mỡ, giàu chất mùn (humic acid) rất tốt cho bộ rễ. Bên cạnh đó rơm mục còn cung cấp lượng một đạm hữu cơ 3,4% và một số trung, vi lượng cho cây hoa hồng.
Với đặc điểm tơi xốp, thoát nước nhanh và giữ ẩm tốt, lại thoáng khó tạo điều kiện cho rễ cây hoa hồng dễ dàng hô hấp và hấp thụ dinh dưỡng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong phân rơm hoai mục có chứa chất phèn, có thể gây hại tới rễ cây hoa hồng nên trước khi sử dụng cần phải ngâm nước để loại bỏ chất phèn.
3 – Thành phần tơi xốp và thông thoáng
3.1 – Vỏ trấu tươi
Trấu tươi chỉ có tác dụng là tạo độ thông thoáng cho giá thể mà thôi, không phải là nguồn dinh dưỡng khi chưa hoai mục. Tuy nhiên, trong vỏ trấu tươi thường có khá nhiều loại vitamin giúp kích thích cây ra rễ, nảy trồi mới. Sau một thời gian, vỏ trấu tươi bị phân hủy thì mới tạo thành chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây hoa hồng, tuy nhiên thời gian này diễn ra rất lâu và quá trình này cũng làm mất đi độ thoáng của giá thể.
Vỏ trấu có thể được đem đi “hun” để tạo thành tro trấu, với hàm lượng giàu Kali và một số khoáng chất rất phù hợp với cây hoa hồng. Việc hun vỏ trấu tươi cũng giúp tiêu diệt một số mầm bệnh gây hại. Trấu tươi không hề có tác dụng thay phân bón bởi độ “lì lợm” rất khó phân hủy. Không nên phối trộn quá nhiều trấu tươi cho giá thể trồng hoa hồng.
3.2 – Đá Perlite
Đá perlite là một loại đá thủy tinh có nguồn gốc từ sự phun trào nham thạch của núi lửa. Chúng được khai thác từ đá núi lửa, sau đó được đem đi nghiền nhỏ, xong rồi được nung nóng với nhiệt độ rất cao, khoảng 800 độ C, khiến kích thước của đá núi lửa “nở bung” ra, tăng khoảng 15 lần so với ban đầu.
Quá trình “nở bung” này được ví như việc nung bắp với nhiệt độ cao, khiến chúng “phình to” ra và tạo nên các lỗ rỗng bên trong như bỏng ngô. Chính nhờ cấu tạo lỗ xốp, đá perlite cho khả năng giữ ẩm cực kì tốt, lại có độ bền vật lý và trơ hóa học, tức là không bị phân hủy như vỏ trấu tươi. Điều này giúp mang lại tính bền vững cho giá thể theo thời gian.
Đá perlite còn có tác dụng giữ cho độ pH trong giá thể luôn ổn định, giúp cho cây hoa hồng luôn duy trì khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Cấu tạo lỗ xốp của đá perlite cũng có tác dụng giữ lại các khoáng chất được bón vào trong đất, từ đó tạo thành “kho lưu trữ” dinh dưỡng lâu dài cho cây hoa hồng.
3.3 – Đá Vermiculite
Là quặng khoáng tự nhiên được khai thác từ mỏ núi lửa, có tác dụng tạo độ thông thoáng, giữ ẩm và lưu trữ các chất khoáng trong các lỗ xốp, dự trữ dinh dưỡng cho cây. Đồng thời đá Vermiculite còn có khả năng ổn định độ pH, giữ nước và dinh dưỡng tốt hơn so với đá Perlite nhưng đá perlite lại có khả năng thoát nước tốt hơn.
Tùy vào lượng mưa từng vùng mà các bác chọn loại đá cho phù hợp, vùng có mưa ít thì nên chọn Vermiculite, còn vùng có mưa nhiều thì chọn Perlite. Nếu gặp môi trường ẩm ương thì có thể phối hai loại với nhau. Giá thể trồng hoa hồng thì tỷ lệ nên thiên về đá perlite nhiều hơn.
4 – Hệ vi sinh vật
Chỉ là một thành phần nhỏ trong giá thể nhưng hệ vi sinh có vai trò rất quan trọng tới sức khỏe của cây hoa hồng. Bổ sung nấm đối kháng Trichoderma sẽ giúp tạo ra một “hệ thống phòng thủ” tự nhiên giúp cho cây hoa hồng không bị vi khuẩn, nấm hại tấn công trong giai đoạn ban đầu, cũng như về lâu dài.
Ngoài ra, một số loại EM khác cũng có tác dụng tương tự, và chúng còn có thêm tác dụng phân giải chất hữu cơ, cải tạo đất thêm màu mỡ, gia tăng độ tơi xốp, mang lại hiệu quả về mặt lâu dài cho cây trồng.
III – Công thức trộn giá thể trồng hoa hồng
Công thức số 1
Là công thức toàn diện với nhiều loại thành phần có lợi cho cây hoa hồng. Mỗi thành phần được bổ sung theo tỷ lệ vừa phải, tận dụng được các ưu điểm riêng và tác dụng tương hỗ giữa các loại thành phần. Tuy công mang lại nhiều lợi ích nhưng sự phức tạp khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn, quá trình xử lý cũng mất thời gian, hoàn toàn không phù hợp với người trồng số lượng.
- Đất đỏ bazan: 30%
- Phân dê: 15%
- Phân trùn quế: 10%
- Xơ dừa: 20%
- Trấu tươi: 10%
- Trấu hun hoặc tro trấu: 10%
- Xỉ than: 5%
Công thức số 2
Công thức tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, với thành phần xơ dừa 40% giúp tạo môi trường thuận lợi cho bộ rễ phát triển. Đồng thời giá thể được bổ sung thêm thành phần đá perlite có chức năng giữ lại khoáng chất, giúp cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây hoa hồng. Nếu thêm thành phần phân bò đã xử lý sẽ giúp hỗ trợ bộ rễ phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, công thức này rất nghèo chất dinh dưỡng nên sẽ cần bổ sung phân bón thường xuyên, đòi hỏi người trồng phải nắm rõ kỹ thuật, quy tình bón phân thì cây mới có thể ra hoa đẹp. Nếu không có kinh nghiệm chăm bón thì bạn cũng có thể lựa chọn giải pháp bổ sung phân tan chậm chuyên dùng cho hoa hồng.
- Xơ dừa: 40%
- Đá Perlite: 20%
- Phân chuồng: 40% (phân bò hoặc phân heo)
Công thức số 3
Đất đỏ bazan khá thích hợp để trồng hoa hồng, tuy kém phì nhiêu nhưng lại khá sạch bệnh, không cần phải xử lý nhiều. Để cải thiện độ tơi xốp và thông thoáng cho giá thể thì trong công thức này có bổ sung thêm đá perlite và phân chuồng, giúp cho bộ rễ dễ dàng phát triển.
- Đất đỏ bazan: 50%
- Đá Perlite: 20%
- Phân chuồng: 30% (phân bò hoặc phân heo)
Công thức số 4
Nên sử dụng công thức này với cây hoa hồng đang có bộ rễ yếu. Với tỷ lệ xơ dừa cao sẽ tạo ra môi trường duy trì ẩm tốt giúp cho bộ rễ phát triển. Hàm lượng phân bón được giảm xuống để giảm độ mặn và tránh gây xót rễ. Tỉ lệ như sau:
- Xơ dừa: 75-80%
- Phân chuồng: 10-15% (phân bò hoặc phân heo)
- Đá Perlite: 10%
Công thức số 5
Tận dụng nguồn đất vườn có thể giúp tiết kiệm chi phí khá tốt, nhưng thông thường đất vườn khá chai cứng, thoát nước kém nên không tốt cho bộ rễ nhạy cảm của hoa hồng. Do đó, trong công thức này có bổ sung thêm thành phần xơ dừa giúp đất thêm tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn.
Đồng thời thành phần phân bò có tác dụng hỗ trợ bộ rễ phát triển và cung cấp chất mùn hữu cơ cho cây trồng. Thêm vào đó là một ít thành phần đá perlite, cũng có tác dụng tạo độ thông thoáng và giúp cho giá thể sử dụng được lâu dài hơn.
- Đất vườn: 30%
- Xơ dừa: 30%
- Phân chuồng: 30% (phân bò hoặc phân heo)
- Đá Perlite: 5-10%
Công thức số 6
Phân rơm hoai mục có sẵn khả năng thoát nước tốt, có độ tơi xốp và thông thoáng cao nên rất phù hợp với bộ rễ của cây hoa hồng. Đồng thời phân rơm hoai mục đã được xử lý qua quá trình hoai mục, lên men vi sinh nên rất an toàn. Về lâu dài phân rơm hoai mục cũng chính là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây hoa hồng.
Tuy nhiên, sau một thời gian lượng phân rơm hoai mục sẽ dần bị phân hủy thành chất mùn, giá thể bị xẹp xuống gây ra sự bí tắc nên sẽ cần phải thay thế định kỳ. Để tăng thời gian sử dụng, trong công thức này được bổ sung thêm thành phần đá perlite và vỏ trấu tươi, có tác dụng duy trì độ thông thoáng cho giá thể khi phân rơm bắt đầu phân hủy dần.
- Phân rơm hoai mục: 80%
- Đá perlite: 20% (hoặc vỏ trấu tươi)
Công thức số 7
Giá thể sau khi được phối trộn sẽ được trộn thêm một ít vôi bột để khử khuẩn (thời gian từ 3 – 4 ngày) trước khi đem ra sử dụng. Sau 2 tuần trồng hoa hồng, có thể bón thêm phân NPK 16 – 16 – 8 + TE với lượng 1,5 gram/gốc, bón định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Đồng thời bổ sung thêm phân bón lá Đầu Trâu 501 với lượng 2 gram/lít, bón định kỳ 7 – 10 ngày/lần
- Đất vườn: 20%
- Tro trấu: 20%
- Xơ dừa: 20%
- Phân bò: 40%
* Lưu ý: Các công thức trên không có ghi thành phần khác như Trichoderma, EM hay phân tan chậm (nếu dùng) là do chúng chiếm tỷ trọng không đáng kể, nhưng tốt nhất là vẫn nên thêm vào để hỗ trợ cho cây hoa hồng luôn phát triển khỏe mạnh. Sau này, khi cây trồng đã ổn định bộ rễ ta sẽ bổ sung nấm rễ cộng sinh Mycorrhizae sau.
IV – Quy trình xử lý giá thể trồng hoa hồng
1 – Xử lý sâu bệnh
Xơ dừa: Khi mua về, tưới ẩm đều, sau đó dùng Canxi Nitrate với tỉ lệ 1 g/lít nước. Tiếp theo, tưới dung dịch này lên và ngâm qua ngày, với khoảng thời gian từ 24h – 48h là tốt nhất. Sau đó, cần phải rửa lại thật sạch bằng nước nhằm loại bỏ hoàn toàn ion Ca+ và K+, nếu có máy đo EC thì rửa tới khi thông số chỉ <0.3 là có thể sử dụng được.
Phân dê: Để loại bỏ trứng của bọ cánh cứng chúng ta bỏ phân dê vào hố để xử lý. Sau đó tưới nước để ẩm, xong rồi để khoảng một tháng cho trứng bọ cánh cứng nở thành con. Tiếp theo rải Diazan (hoặc cazinon, vibasu…) với lượng 10 (g), rồi trộn đều để xử lý sâu bệnh trong phân.
Phân rơm: Trong phân rơm thường không có mầm bệnh, nên quy trình xử lý khá đơn giản, chỉ cần loại bỏ chất phèn (có màu nâu) là có thể sử dụng được. Ngâm phân rơm trong nước, rồi xả qua 2-3 lần, tới khi hết màu nâu là có thể sử dụng được. Có thể rải thêm một ít phân lân lên mặt để đảm bảo chất lượng.
Vỏ trấu tươi: Được thu hồi từ nhà máy xay xát lúa, vỏ trấu tươi hoàn toàn chưa được xử lý nên sẽ tiềm ẩn mầm bệnh hại. Nên ngâm vỏ trấu tưới với nước vôi loãng để diệt trừ mầm bệnh. Thời gian ngâm khoảng 24 tiếng là có thể sử dụng.
Phân bò khô: Lưu ý là phân bò khô chưa qua xử lý sẽ chứa rất nhiều mầm bệnh, hạt cỏ dại và trứng côn trùng. Do đó, bắt buộc phải xử lý bằng cách ủ với phân lân và nấm Trichoderma trước khi sử dụng. Thời gian ủ hoai tối thiểu là một tháng. Nếu không có thời gian xử lý thì có thể mua phân bò đã qua xử lý nhưng sẽ có giá đắt hơn.
2 – Cách trộn giá thể
Đây là bước đơn giản nhất, chỉ cần chọn ra một chỗ rộng rãi, sau đó rải từng lớp nguyên liệu lên và phối trộn lại với nhau. Sau quá trình xử lý, các mầm bệnh và vi sinh vật có hại đã giảm đi nhiều, lượng vi sinh vật có lợi được bổ sung và phát triển. Từ đó cây trồng có được môi trường “thân thiện” để phát triển, khả năng kháng bệnh cũng được tăng cao.
Để phối trộn giá thể trồng hoa hồng không hề khó, nhưng làm sao để duy trì được chất lượng (tơi xốp, thông thoáng, giữ ẩm, dinh dưỡng) được lâu bền, giàu vi sinh vật có lợi thì sẽ thuộc nhiều vào người trồng. Quan trọng nhất là phải quả lý tốt quy trình phân bón, chế phẩm và thuốc trừ sâu thì giá thể mới đảm bảo được tính bền bỉ.
Cua Gạo Garden Team