Nội dung bài viết
1 – Vai trò của Lân (Photpho) với cây
Lân chính là nguyên tố Photpho (P), chúng là thành phần của nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng quyết định quá trình trao đổi chất và năng lượng, cũng như các hoạt động sinh trưởng của cây. Năng lượng ánh sáng mặt trời được tích lũy bên trong cây là nhờ có phân tử ATP và ADP, hiểu nôm thì đây là một dạng cục pin tích lũy năng lượng giúp vận chuyển năng lượng tới cho các tế bào sử dụng, phục vụ quá trình sinh trưởng của cây.
Chữ P chính là nguyên tốt Photpho hay gọi là Lân. Do đó, nếu thiếu Lân (P) trong giai đoạn sinh trưởng thì sẽ làm hạn chế sự phát triển của cây trồng. Lân (P) giúp phân chia tế bào, kích thích bộ rễ phát triển, hình thành và phân hóa mầm hoa, đồng thời làm tăng khả năng chống chịu cho cây trồng. Vai trò của Lân đối với cây hoa hồng:
- Kích thích sự phát triển của rễ
- Tăng cường sức mạnh của thân, nhánh
- Cải thiện chất lượng hoa
- Tăng khả năng chống lại bệnh hại cây trồng
- Giúp phát triển trên toàn bộ vòng đời của cây
Đối với một loại cây ra hoa thường xuyên như hoa hồng thì nhu cầu sử dụng phân Lân (P) sẽ có nhu cầu rất cao và cần phải bón liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, việc bón thêm nhiều phân Lân (P) vào gốc thì không đồng nghĩa với việc cây sẽ càng hấp thụ được nhiều Lân, mà quan trọng chính là hiệu suất sử dụng Lân(P) trên cây như thế nào.
Thông thường cây chỉ hấp thụ được khoảng 30% mà thôi, lượng còn lại sẽ bị “khóa chặt” hoặc trôi đi mất. Hơn nữa, việc bón dư thừa Lân (P) thường không có hiểu hiện gây hại rõ rệt như khi bón quá nhiều Đạm (N) nên rất dễ bị lạm dụng. Từ đó, vừa gây lãng phí lại vừa có hại cho đất về lâu dài. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hoạt hóa lượng Lân (P) khó tiêu đang bị “khóa chặt” trong đất và cách sử dụng Lân (P) sao cho hiệu quả?
2 – Trạng thái tồn tại của Lân trong đất
Trên các bao bì phân bón có ghi công thức phân Lân (P) dưới dạng là P2O5, đây không phải là dạng cây có thể hấp thu được, mà phải là dưới dạng ion là HPO42- hay H2PO4–. Do đó, rễ cây hấp thụ Lân (P) bằng cách tiết ra ion H+ hoặc thông qua vi sinh vật phân giải để chuyển hóa dạng P2O5 thành HPO42- hay H2PO4–
Vì cây có thể tự phân giải được nên P2O5 được gọi là dạng Lân hữu hiệu hay Lân dễ tiêu. Khi bón phân Lân (P) vào đất thì cây sẽ chỉ hấp thụ được một phần, lượng còn lại sẽ kết hợp ngay với Nhôm (Al) và Sắt (Fe) có sẵn trong đất tạo thành muối Photphat Nhôm và Photphat Sắt (chất khó tan). Hai dạng muối này có cấu tạo liên kết rất bền nên cây trồng không thể hấp thu Lân (P) từ hợp chất này. Lân (P) dưới dạng này được gọi là Lân khó tiêu hay Lân cố định.

Để thấy rõ được tính “khóa chặt” phân Lân trong đất, người ta thực hiện một thí nghiệm với phân bón Supe Lân có dạng công thức là Ca(H2PO4)2. Kết quả thí nghiệm được thể hiện thông qua biểu đồ dưới đây. Đường màu đỏ là lượng Lân dễ tiêu theo số ngày sau khi bón phân Supe Lân vào trong đất.

Kết quả thu được
- Sau 7 ngày bón Supephotphat Ca(H2PO4)2 , lượng Lân hữu hiệu giảm còn 30%
- Sau 30 ngày bón Supephotphat Ca(H2PO4)2, lượng Lân hữu hiệu giảm còn 10%
Như vậy sau khi bón phân Lân hữu hiệu thì sau 7 ngày lượng Lân hữu hiệu đã giảm còn 30%, và sau 30 ngày thì bón Lân hữu hiệu đã giảm đi đáng kể, chỉ còn lại khoảng 10%. Qua thí nghiệm này chúng ta có thể lý giải được lý do vì sao khi đã bón Lân (P) rất nhiều nhưng vẫn xảy ra hiện tượng cây bị còi cọc, ít mầm và hoa kém sau một khoảng thời gian ngắn.
3 – Cách hoạt hóa Lân khó tiêu bằng cây họ Lạc
Trong một cuốn giáo trình về thực vật học của Mỹ có viết rằng cây họ Lạc có khả năng sử dụng được dạng Lân cố định trong đất. Vì thế mà trước mỗi mùa vụ canh tác, đặc biệt trên những loại cây có nhu cầu cao về Lân (P), người ta thường hay trồng cây họ Lạc để giúp cải tạo đất.
Các nhà khoa học đã giải thích khả năng sử dụng được Lân cố định “một cách diệu kì” chính là nhờ vào khả năng tạo phức với muối nhôm và sắt ngay tại bề mặt rễ cây họ Lạc, và đồng thời nó còn diễn ra phản ứng trao đổi ion từ đó chuyển hóa Lân (P) khó tan thành dạng Lân (P) dễ tan, giúp cho cây dễ dàng hấp thụ.

Hiểu nôm na là rễ cây họ Lạc có thể “phân tách” nguyên tố P ra khỏi sắt và nhôm để cho cây sử dụng. Khi lượng sắt và nhôm trên bề mặt rễ đạt tới trạng thái bão hòa thì rễ cây sẽ dừng hoạt động “phân tách” này lại. Tuy nhiên, cứ sau 2 tuần thì bề mặt rễ cây họ Lạc lại được thay một lớp biểu bì mới, quá trình hoạt hóa Lân khó tiêu lại được lặp lại.
4 – Bổ sung thêm Lân hữu cơ
Nếu không có điều kiện trồng cây họ Lạc thì bạn có thể tìm tới giải pháp bổ sung thêm Lân hữu cơ vào trong đất. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Lân hữu cơ mang lại hiệu suất sử dụng tốt hơn so với Lân vô cơ. Cụ thể, Lân hữu cớ có thể đạt được hiệu suất sử dụng lên tới tới 90%, cao hơn hẳn so với 30% của Lân vô cơ.
Như đã biết, hiệu suất sử dụng Lân (P) bị giảm đáng kể là do sự kết hợp giữa nguyên tốt P với nhôm và sắt khiến cho Lân (P) bị khóa chặt lại. Lân hữu cơ thì không tan trong nước nên nó không bị “khóa chặt” như khi sử dụng Lân vô cơ. Mặc dù Lân hữu cơ vẫn có khả năng kết hợp với nhôm và sắt nhưng có một yếu tố giúp cho nó không bị “tóm lấy”.
Trong phân hưu có có một thành phần rất quan trọng đó chính là Xenlulozo, một dạng cao phân tử có cấu trúc mạch dài. Hãy tưởng tượng là Lân hữu cơ như một nắm xôi, còn Xenlulozo là một cái lá chuối giúp bọc nắm xôi ấy lại. Nhờ có thành phần Xenlulozo mà Lân hữu cơ không bị tiếp xúc với nhôm và sắt tồn tại trong đất, giúp chúng không bị phản ứng với nhau.



Sự chuyển hóa từ Lân hữu cơ thành dạng Lân dễ hấp thu phần lớn nhờ enzym phosphatase, phytases. Những enzyme này được tạo ra bởi vi sinh vật và rễ cây. Trong thực tế, việc cấy vi sinh vật vào đất không chỉ giúp ngăn chặn mầm bệnh mà còn phân giải lân trong đất nhanh chóng và giảm sự cố định Lân trong đất.
5 – Sử dụng Axit Humic
Axit humic là một thành phần của chất mùn hữu cơ (chất humin) được tích tụ trong đất bởi quá trình phân giải xác bã thực vật trong tự nhiên. Những loại đất màu mỡ thường rất giàu chất mùn hữu cơ, giúp cho cây trồng phát triển rất tốt.
Bổ sung Axit Humic vào đất sẽ giúp làm chậm quá trình cố định Lân, từ đó giúp cải thiện hiệu suất sử dụng phân Lân. Cụ thể là có thể giúp tăng thêm 25% hiệu suất sử dụng Lân, đặc biệt là với trường hợp bón phân trong suốt một thời gian dài, từ đó cải thiện năng suất cây trồng tốt hơn.
Một tài liệu nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử đã chứng minh cho khả năng hòa tan Lân khó tiêu bởi axit humic. Cơ chế hòa tan Lân khó tiêu này dựa trên cơ chế hóa lý và sinh học, chủ yếu là nhờ vào tính ăn mòn axit của chất humic. Nói tóm lại, nếu axit humic có thể giúp cải thiện hiệu suất sử dụng phân Lân rất tốt.

Team Cua Gạo Garden