Tồn tại qua nhiều thế hệ tại Việt Nam, tưởng chừng như đã bị lãng quên, hoa hồng cổ bỗng dưng trở thành thú chơi được nhiều người ưu chuộng. Phong trào chơi hoa hồng cổ bắt đầu vào những năm 2014 ~ 2015, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy hoa hồng cổ không được xuất sắc như hoa hồng ngoại về hương sắc, nhưng vẫn đủ sức để có thể chinh phục người chơi bởi vẻ đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng và quyến rũ.

Hơn nữa, so với các giống hoa hồng ngoại “đỏng đảnh khó chiều” thì hoa hồng cổ dễ chăm sóc hơn rất nhiều.

Cả hai phòng trào chơi hoa hồng cổhoa hồng ngoại dường như xuất hiện cùng lúc. Có lẽ, cái tính “đỏng đảnh khó chiều” cũng chính là lý do khiến cho nhiều người chơi “quay xe” lại với hoa hồng cổ.

Bên cạnh đó, hoa hồng cổ còn được xem là có thể mang lại giá trị phong thủy, sự may mắn và tài lộc cho gia chủ. Tuổi thọ của hoa hồng cổ càng cao thì càng mang lại nhiều giá trị và nguồn năng lượng tốt cho người trồng.

Một số loại hồng cổ còn có hương thơm rất quyến rũ và dễ chịu, thậm chí còn được lựa chọn để sản xuất nước hoa, làm toner, phơi khô để làm trà hoặc làm nguyên liệu chế biến thức ăn.

Hoa Hong Co Sapa 2

Đến nay, hoa hồng cổ vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ tới sành hoa. Ưu điểm của hoa hồng cổ là có sức sống khỏe, nhiều hoa, dễ sống, dễ chăm, càng trồng càng có giá trị. Khi vào thời tiết lạnh thì hoa hồng cổ vẫn có thể trổ được bông to bằng bát ăn cơm, cánh xếp khít nhau rất đẹp mắt chẳng thua gì hoa hồng ngoại, rất thích hợp trang trí khuôn viên quanh nhà, đặc biệt là biệt thự.

Nội dung bài viết

I – Hoa hồng cổ là gì?

Cụm từ “hoa hồng cổ” được sử dụng rộng rãi từ trước tới nay như một cách để chỉ ra một số giống hoa hồng tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Tuy nhiên, cách gọi “hoa hồng cổ” này thực sự chưa được chuẩn xác, gặp phải rất nhiều bất, dễ khiến cho nhiều người bị hiểu lầm.

Điển hình là việc xem “hoa hồng cổ” là hoa hồng bản địa của Việt Nam. Trên thực tế, trong danh sách “hoa hồng cổ” Việt Nam thì có đa phần đều được du nhập về nước ta từ thời Pháp thuộc, được nhân giống và trồng qua nhiều thế hệ, có những cây gốc cổ thụ sống lâu năm rất to trong vườn người dân. Có lẽ, khi nhìn vào những gốc hồng cổ thụ lâu năm này mà người ta mới gọi là hoa hồng cổ.

Theo Hiệp Hội Hoa Hồng Mỹ thì hoa hồng cổ, hay còn được gọi là Old Garden Roses, được phân loại là những giống hoa hồng đã được phát hiện hoặc lai tạo trước năm 1867. Vậy tại sao lại chọn cột mốc năm 1867 mà không phải năm nào khác?

Lý do là có một giống hoa hồng được lai tạo có tên là “La France” được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1867. “La France” cũng được xem là hoa hồng trà lai đầu tiên. Từ đó, cột mốc 1867 được lấy để phân biệt giữa “hoa hồng cổ” và “hoa hồng hiện đại”.

Nếu cứ áp đặt các tiêu chí để xem xét và đánh giá về “hoa hồng cổ” thì chắc hẳn sẽ chẳng còn lại mấy giống được gọi là hoa hồng cổ nữa. Dù sao thì đây cũng là cách gọi quen thuộc đã được lưu truyền từ nhiều đời, cũng rất phổ biến và nó cũng không ảnh hưởng gì nên người ta thế nào thì mình cứ thế nấy thôi.

Trong bài viết này không nhằm mục đích phân loại khoa học, mà chỉ nhằm giới thiệu tới các giống hoa hồng tồn tại lâu đời tại Việt Nam, đã thuần khí hậu và có sức sống khỏe mạnh, kháng bệnh tốt. Từ đó, giúp cho người chơi nhận định được nên trồng loại hoa hồng thì phù hợp. Trong đó, sẽ có một số giống hoa hồng dại (Wild Rose) nhưng được trồng tại Việt Nam cũng sẽ được Cua Gạo Garden chọn lọc để giới thiệu trong bài này.

II – Các giống hoa hồng cổ tại Việt Nam

1 – Hoa hồng cổ Sapa

Hồng cổ Sapa là một giống hoa hồng có nguồn gốc từ Vương Quốc Anh, được người Pháp du nhập về nước ta trong những năm tháng Pháp xâm lược Việt Nam. Người Pháp đã mang giống hoa hồng này trồng tại các dinh thự ở Sapa vì nơi này có khí hậu khá giống châu Âu.

Sau đó giống hoa hồng này được nhân giống và trồng phổ biến tại Sapa. Tên gọi hồng cổ Sapa cũng xuất phát từ đây. Hồng cổ Sapa có tên quốc tế là Mrs B R Cant, được lại tạo bởi Benjamin R. Cant & Sons tại Vương Quốc Anh vào năm 1901. Như vậy hồng cổ Sapa được xếp vào dòng hoa hồng hiện đại (Modern Roses), chứ không phải là hồng cổ (Old Garden Roses).

1 Hoa Hong Co Sapa

Ưu điểm nổi bật của hồng cổ Sapa chính là khả năng sai hoa vượt trội, dù là được trồng tại khí hậu lạnh hay khí hậu nóng thì “ẻm” cũng vẫn cứ “đẻ” liên tục, hết lứa này rồi lại đến lứa khác. Vào mỗi dịp lễ tết, các nhà vườn sẽ cho cắt tỉa đồng loạt trước khoảng 30 ~ 45 ngày nhằm kích bông nở đồng loạt rất rực rỡ và quyến rũ.

Không khó để tìm mua một cây hồng cổ Sapa nguyên bản, từ loại cây giống nhỏ cho tới những cây cổ thụ có đường kính tán lên đến vài mét. Hồng cổ Sapa rất dễ sống, tốc độ phát triển nhanh, lại có sức kháng bệnh “có số” trong làng hoa hồng cổ nên không khó để nhân giống. Là người mới trồng hay người sành chơi cũng đều ưu thích loại hồng có tông lãng mạn này.

2 – Hoa hồng cổ Vân Khôi

Trong số các “anh em” nhà hoa hồng cổ thì “cô nàng” Vân Khôi này là có được tính vẹn toàn nhất. Từ kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ hoa cho tới hương thơm đều được hội tụ đầy đủ nơi “ẻm”, trong khi đó những giống hoa hồng cổ khác thì lại thiếu đi một vài yếu tố trên. Do đó, cũng ngạc nhiên khi mà hồng cổ Vân Khôi lại được nhiều người săn lùng ráo riết đến mức khan hiếm.

Hoa hồng cổ Vân Khôi từng được mệnh danh là hồng Cung Phủ hay hồng Tiến Vua, tức là loại hoa hồng được trồng trong cung phủ của quan lại, vua chúa ngày xưa. Hồng cổ Vân Khôi rất xứng đáng với biểu tượng cho nét đẹp quyền quý và thanh tao mà người ta gắn cho nó. Đến nay, hồng cổ Vân Khôi vẫn là luôn là một giống hoa hồng “hot”, được rất nhiều người ưu chuộng và săn đón.

Hoa Hong Co Van Khoi

Hồng cổ Vân Khôi có tên quốc tế là Souvenir de la Malmaison rose, được lai tạo bởi Jean Beluze vào năm 1843 tại Pháp. Do là xuất hiện trước năm 1867 nên hồng cổ Vân Khôi được hiệp hội hoa hồng quốc tế (WFRS) đưa vào danh sách các giống hoa hồng cổ nổi tiếng (Hall of Fame old roses) vào năm 1988.

Khoác lên mình “chiếc váy” với tông màu hồng phấn ngọt ngào, nữ tính và thời thượng, Hoa hồng cổ Vân Khôi mang một vẻ đẹp hoàn mỹ, tinh tuyền tựa như tên gọi “mây trời” mà dân gian ưu ái đặt cho. Tuy là giống hồng đẹp, thơm và quý nhưng Vân Khôi thực sự không dễ để “chinh phục” như bao loại hoa hồng cổ khác.

Nhược điểm của hồng cổ Vân Khôi là rất chậm lớn, thân nhánh nhỏ rất mỏng manh và thường xuyên bị các loại bệnh hại tấn công. Do đó, nếu muốn trồng hồng cổ Vân Khôi thì bạn cần phải am hiểu rất kỹ về cách phòng bệnh cho cây hoa hồng.

3 – Hoa hồng cổ Son Môi

Hoa hồng cổ Son Môi xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu đời, với những tên “cúng cơm” nghe rất dân dã như hồng cổ Ngọc Lộ, hồng cổ Thanh Hóa hay hồng cổ Nghệ An. Sự nổi lên của phòng trào chơi hoa hồng cổ vào những năm 2015 đã giúp hồng cổ Son Môi được chú ý nhiều hơn.

Người ta dần nhận thấy rằng hồng cổ Son Môi có rất nhiều đặc điểm giống với hoa hồng Pink Damask, nhất là về màu sắc và hương thơm đặc trưng khó có thể lẫn với loại hồng khác được. Và ngày càng có nhiều người công nhận rằng hồng cổ Son Môi chính là Pink Damask.

Như vậy hồng cổ Son Môi là một giống hoa hồng cổ thực thụ, đã tồn tại từ xa xưa hàng nghìn năm. Chúng được trồng nhiều tại vùng Trung Đông và Châu Âu để làm nguyên liệu sản xuất nước hoa và tinh dầu hoa hồng. 

5 Hoa Hong Co Son Moi

Nếu đang có ý định “ướp hương” cho khu vườn của mình thì nhất định không thể bỏ qua hồng cổ Son Môi. Là một trong những giống hoa hồng thuộc dòng damask nổi tiếng, với kiểu thơm vô cùng quyến và đặc trưng theo đúng nghĩa hoa hồng, không như những kiểu thơm của hồng khác như thơm sả, cam, trà xanh,…

Hồng cổ Son Môi có màu hồng sen nhẹ nhàng, lôi cuốn, mỗi khi trổ là cho ra từng chùm hoa với số lượng lên tới hàng chục bông trên mỗi nhánh, một con số thực sự ấn tượng. Tuy hoa mau tàn, nhưng hồng cổ Son Môi lại có tốc độ lặp bông rất nhanh, chỉ cần 5 – 7 tuần/lứa.  Là một trong những dòng hoa hồng có thân cứng cáp, phát triển nhanh, có khả kháng bệnh rất tốt và đặc biệt là rất “trâu bò”, không chăm bón vẫn có thể sống được.

4 – Hoa hồng cổ Đào

Hoa hồng cổ Đào đã được trồng tại Việt Nam từ rất lâu, hầu như là phân bổ tại các tỉnh miền bắc, thông thường thì nhà ai cũng có trồng một cây trước của nhà. Khi phong trào chơi hoa hồng cổ rộ lên, hoa hồng Đào dần được chuyển vào trồng miền Nam nhiều hơn và được trồng phổ biến hơn. Đối với những anh chị thuộc thế hệ 8x, sống tại miền Bắc, chắc hẳn sẽ không còn xa lạ gì với giống hoa hồng này.

Tương truyền đây là giống hoa hồng do người Pháp đưa về trồng tại Việt Nam nhưng kì thực là các thông tin này rất mơ hồ, vì có người còn cho rằng hồng đào cổ được du nhập từ Trung Quốc. Về tên gọi quốc tế thì có hai tên gọi được đưa ra để so sánh, đó là Jean Ducher roseHume’s Blush Tea-scented China rose, cả hai đều có nhiều đặc điểm giống với hồng cổ Đào. Tóm lại, tên gọi nào cũng được, miễn là đối với người chơi cứ dễ sử dụng là được.

3 Hoa Hong Co Dao

Hoa hồng cổ Đào sở hữu ưu điểm sai hoa vượt trội, khả năng thuần khí hậu tốt, độ lặp hoa nhanh chóng mặt và khả năng kháng bệnh cực kì khỏe. Một cây hoa hồng cổ Đào lâu năm sẽ trổ hoa liên tục đến mức mà bạn sẽ thấy hầu như lúc nào cũng có hoa trên cây, hết lứa này rồi lại đến lứa khác.

5 – Hoa hồng cổ Điều

Không rõ hoa hồng cổ Điều đã xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào, cũng không có ghi chép nào về nguồn gốc của hồng cổ Điều đến từ đâu, chỉ biết rằng đây là loại hoa hồng được lưu truyền qua nhiều đời. Hồng Điều cổ còn được gọi là hoa hồng Bạch Đào, do có nhiều đặc điểm giống với hồng cổ Bạch Ho nhưng lại có màu hồng như hoa đào.

Hồng cổ Điều sở hữu vẻ ngoài mềm mại, mỏng manh như nụ hôn gió lướt nhẹ trên da nhưng mùi hương mà “ẻm” mang lại thì thật sự ấm áp, thân mật và nồng nàn. Cái nét thong thả, thanh lịch vừa xa cách vừa gọi mời của “Điều” luôn khiến người ta say đắm.

Trong khi hoa hồng ngoại luôn phải oằn mình chống trọi lại các đợt đốm lá hết lần này tới lần khác thì các hồng cổ Điều lại có sức chống chịu rất tốt với sự thay đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, mưa ẩm dễ gây bênh. Hoa hồng cổ Điều đã đứng vững bên qua hàng trăm năm tại Việt Nam, nên việc thích nghi với khí hậu của Việt Nam là điều hết sức bình thường.

6 – Hoa hồng phấn Nữ Hoàng

Hồng phấn Nữ Hoàng là một trong những giống hoa hồng đặc trưng được trồng rất nhiều tại Sa Đéc, Đồng Thá. Hiện tại không có nhiều ghi chép về giống hoa hồng này, cũng không rõ hồng phấn Nữ Hoàng đã xuất hiện và được du nhập về từ lúc nào. Nhờ có sức sống khỏe nên hồng phấn Nữ Hoàng rất dễ nhân giống nên giá thành thường rất rẻ.

6 Hoa Hong Phấn Nữ Hoàng

Hồng phấn Nữ Hoàng không có form hoa quá nổi trôi, lại rất mau tàn, thân nhánh thì khá mảnh mai, mềm mại và nhỏ. Do đó, không có mấy người ưu chuộng loại hoa hồng này cho lắm. Ưu điểm nổi bật nhất của hồng phấn Nữ Hoàng chính là có hương thơm ngòa ngạt, lan tỏa khắp không gian.

Hồng phấn nữ hoàng có khả năng vươn cao cực tốt từ 1,7 mét đến trên 2,5 mét nên có thể trồng như một dạng hoa hồng leo. Thích hợp trồng bám tượng hoặc hàng rào quanh nhà hơn là trồng làm với vòm leo.

7 – Hoa hồng leo cổ Tầm Xuân

Tầm Xuân có tên khoa học Rosa multiflora Thunb, có đặc điểm thân bụi, nhưng khả năng phát triển vươn dài và thân nhánh khá mềm nên thường được trồng leo bám vào những mảng tường trước nhà. Tầm Xuân có thể đạt được kích thước từ 1 – 5 m, trên thân cây mang nhiều gai nhọn, có nhánh màu nâu đậm, . Khi phát triển rậm rạm sẽ tạo thành hàng “thép gai” tự nhiên để chống trộm.

Hoa Hong Leo Tam Xuan

Hoa tầm xuân đúng như tên gọi, mỗi năm chỉ nở rộ một lần vào đúng mùa xuân, khiến ta phải có cảm giác ngóng chờ. Hoa nở nhanh và rụng ào ạt làm lòng người yêu hoa tiếc nuối. Như cảm giác day dứt, hụt hẫng của chàng trai trong câu ca dao bà vẫn thường hát ru tôi thuở bé: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”…

8 – Hoa hồng cổ Đà Lạt Phớt Hồng

Là giống hồng leo xuất hiện tại Đà Lạt từ lâu đời nhưng có nhiều quan điểm cho rằng nó không phải là giống hồng bản địa nơi đây. Đà Lạt là địa điểm có rất nhiều sự liên quan tới phương Tây, nên nhận định này cũng hoàn toàn hợp lý và rất có thể là được du nhập về từ thời xưa.

Có nhiều quan điểm cho rằng tên tiếng Anh của hồng leo phớt hồng Đà Lạt là Blush Noisette rose, một giống hoa hồng cổ của Mỹ, được nhân giống bởi Philippe Noisette vào năm 1814. Cũng có người cho rằng Blush Noisette vẫn chưa phải là tên thật của Phớt Hồng Đà Lạt, nhưng sau khi so sánh với nhiều loại hoa hồng khác thì chỉ có Blush Noisette nên tạm thời chỉ có thể chấp nhận tên này.

Hoa Hong Leo Co Da Lat 1

Hồng cổ Phớt Hồng Đà Lạt có màu hồng nhạt, hương thơm tựa như mùi đinh hương, rất sai hoa và đặc điểm hoa chùm rất lãng mạn. Là giống hoa hồng thuần với khí hậu của Việt Nam nên có khả năng kháng bệnh rất tốt, sức sống khỏe và dễ chăm sóc.

9 – Hoa hồng Bách Hợp

Hoa hồng Bách Hợp được trồng nhiều tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Là một trong số giống hoa hống Sa Đéc có kích cỡ bông to, hoa thơm và form đẹp mắt. Hồng Bách Hợp còn có tên khác là hoa hồng Nude Sa Đéc. Nghe qua cái tên thì hẳn ai cũng thấy lạ lùng, nhưng đúng thật tông màu của hồng Bách Hợp là màu trắng kem mềm mại rất quyến rũ nhưng hoa gần như không có mùi thơm.

9 Hoa Hong Co Bách Hợp

Hoa hồng Bách Hợp có đặc điểm thân bụi thấp, cứng cáp, ít gai và có màu xanh bóng. Sở hữu bộ lá to, cứng và khỏe nên hoa hồng Bách Hợp có sức kháng sâu bệnh rất tốt. Bên cạnh ưu điểm có đường kính hoa to, từ 7-10cm, thì hoa hồng Bách Hợp còn rất dễ trồng và nhân giống nên giá thành cực kì rẻ, phù hợp với người mới trồng hoa hồng lần đầu.

10 – Hoa hồng Tường Vy

Hoa hồng Tường Vy được trồng rất phổ biến tại Việt Nam, phân bổ khắp cả nước từ bắc vào nam. Tuy đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu nhưng Hoa hồng Tường Vy không phải là giống bản địa mà nó có nguồn gốc từ nước ngoài. Dựa trên các đặc điểm nhận dạng của hồng Tường Vy, người ta cho rằng đây là giống hoa hồng Red Damask có nguồn gốc từ Trung Đông, thường được trồng để chưng cất nước hoa.

Thật vậy, hoa hồng Tường Vy có hương thơm đậm, mùi đặc trưng của hoa hồng tương tự như hoa hồng cổ Son Môi. Thậm chí, nếu như chạm vào hoa thì hương thơm có thể lưu lại trên tay trong một khoảng thời gian. Bên cạnh đó, hoa hồng Tường Vy còn có sức sống “cực kì trâu bò”, sức kháng bệnh khỏe, phát triển nhanh, không cần chăm sóc nhiều vẫn có thể tươi tốt như thường.

8 Hoa Hong Tường Vy

Thêm một ưu điểm của hồng Tường Vy chính là khả năng sai hoa và độ lặp hoa liên tục. Nếu như bạn có khu vườn rộng rãi thì hãy thử trồng hoa hồng Tường Vy, chắc chắc bạn sẽ có một không gian thơm mát và vô cùng tực rỡ. Đôi lúc cũng có thể thu hoạch hoa hồng Tường Vy để chưng cất nước hoa, làm trà hoặc mỹ phẩm rất hiệu quả. Bởi nhiều người đánh giá là tỷ lệ thu hồi tinh dầu từ hồng Tường Vy đạt hiệu suất khá cao.

Nhờ có sức sống khỏe “như trâu như bò” nên việc nhân giống hồng Tường Vy cực kì dễ dàng, nhờ đó mà số lượng cây hoa hồng Tường Vy được cung cấp ra thị trường mỗi năm là rất lớn, lại cộng thêm đặc điểm “sính ngoại” của số đông nên khiến cho giá bán của hồng Tường Vy hiện tại CỰC KÌ RẺ. Thật đáng tiếc khi một loại hoa hồng có hàm lượng tinh dầu cao lại dễ trồng mà lại bị “ghẻ lạnh” như vậy.

11 – Hồng cổ Quế Kép

Đây là giống hoa hồng xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu, nhưng không được phổ biến bằng các loại hoa hồng cổ khác. Không rõ nguồn gốc của hoa hồng cổ Quế Kép đến từ đâu, nhiều khả năng không phải là hoa hồng bản địa của Việt Nam, mà là một trong những giống hoa hồng được du nhập từ thời Pháp.

Ngoài tên gọi Quế Kép thì giống hoa hồng này còn được gọi là Quế Hồng hoặc Quế Sen để so sánh với hồng Quế Son có màu đỏ. Hồng cổ Quế Kép có rất nhiều đặc điểm giống với hồng cổ Quế Son, từ thân nhánh, kiểu lá cho tới form bông nhưng lại có màu tông màu hồng sen nhẹ nhàng.

Hoa Hong Co Quế Kép

Sức sống của hồng cổ Quế Kép khỏe đến mức mà chỉ cần cắm nhánh cây xuống đất là mọc ra một cây mới. Tuy dễ trồng nhưng hồng cổ Quế Kép không được phổ biến cho lắm, bởi hoa rất màu tàn, đôi lúc là sáng nở tối tàn nên không được mấy người ưu chuộng. Bù lại hồng cổ Quế Kép cho tốc tộ lặp hoa cực nhanh, có hương thơm, lại rất sai hoa và có khả năng ra hoa chùm liên tục.

12 – Hồng cổ Quế Son

11 Hoa Hong Cổ Quế Son

13 – Hoa hồng cổ Huế

Ngắm nhìn những chùm hoa hồng cổ Huế đang nở làm ta liên tưởng đến vẻ đẹp người con gái xứ Huế, đó là một vẻ đẹp dịu dàng, bình dị và pha lẫn một chút trầm tư. Thật vậy hoa hồng cổ Huế chẳng hề cầu kì, chẳng phức tạp nhiều cánh như bao loại hoa hông ngoại, mà đó là nét đẹp rất thơ, rất riêng và cũng rất hồn nhiên.

Hoa hồng cổ Huế sở hữu tông màu đỏ như son rất nổi bật, cây rất sai hoa và có mùi hương dịu nhẹ. Giống này có sức sống khỏe, phát triển nhanh chóng, kháng bênh tốt nên khá dễ trồng và chăm sóc. Tại Huế có khá nhiều gốc hoa hồng cổ Huế được trồng lâu đời có thân cổ thụ rất to, có thể cao tới 2 – 3m.

Loài hoa hồng này xuất hiện rất nhiều ở đại nội tử cấm thành Huế nên được người dân gọi là hoa hồng cổ Huế. Tới hiện tại thì vẫn chưa có tại liệu ghi chép lại về lai lịch của giống hoa hồng cổ này, rất có khả năng đây là món quá được vua nước Pháp tặng cho vua nhà Nguyễn thời xưa. Những cũng có người cho rằng nguồn gốc hoa hồng này đến từ Trung Quốc.

10 Hoa Hong Cổ Huế

Xét về đặc điểm thì hoa hồng cổ Huế được nhận định là giống hoa hồng Louis Philip nhất. Đó là một loại hoa hồng được các chuyên gia công nhận rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng nó lại được trồng từ rất lâu đời tại nước Pháp, sau đó được ông Lorenzo de zavala đưa về Mỹ và đặt tên là Louis Philip rose – đây cũng là tên gọi quốc tế được công nhận rộng rãi.

Dù hoa hồng cổ Huế không phải là loài hồng bản địa nhưng lại có “tuổi đời” sống tại Việt Nam từ rất lâu, việc quen với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Việt Nam giúp hoa hồng cổ Huế có sức kháng sâu bệnh vượt trội, đặc biệt là những bệnh cố hữu trên cây hoa hồng như trĩ và nhện đỏ.

14 – Hoa hồng Nhung cổ

Hoa hồng Nhung là cụm từ được dùng để mô tả về một loại hoa hồng có màu đỏ như nhung, được xem là một biểu tượng của tình yêu, thường xuất hiện trong những sự kiện quan trọng. Những đóa hồng nhung thường được phái nam dành tặng cho phái nữ như một cách gửi gắm lời yêu thương hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, cách gọi hoa hồng nhung khá chung chung nên khiến cho nhiều lầm tưởng rằng hồng nhung chỉ là một giống hồng duy nhất. Một số bài viết cho rằng hoa hồng nhung có tên là Rosaceae, nhưng thông tin này hoàn toàn sai. Rosaceae là tên của họ hoa hồng, trong đó gồm có rất nhiều chi hoa hồng.

Trên thực tế có rất nhiều loại hoa hồng được gọi là hoa hồng Nhung, điển hình như là hồng nhung Sa Đéc, hồng nhung Pháp, hồng nhung Đà Lạt, hồng nhung ta… Thậm chí có nhiều loại hoa hồng có màu đỏ nhung, điển hình như hoa hồng cổ Hải Phòng cũng có màu đỏ nhung nhưng không được gọi là hoa hồng nhung.

Hoa Hong Nhung Co

Tóm lại, bạn cần hiểu rằng hoa hồng nhung có rất nhiều loại khác nhau và hoa hồng nhung cổ là một trong số đó. Hoa hồng Nhung cổ đã tồn tại rất lâu đời tại Việt Nam, được trồng chủ yếu tại các tỉnh phía bắc, là hình ảnh quen thuộc trong thời thơ ấu của những người thuộc thế hệ 8x.

Đây là giống hoa hồng thuộc dòng damask, với hương thơm cổ điển kiểu hoa hồng đúng nghĩa, thơm đậm và rất quyến rũ. Với hàm lượng tinh vượt trội, hoa hồng nhung cổ có thể sử dụng chưng cất làm nước hoa hồng. Ngoài việc rất thơm thì hoa hồng nhung cổ còn có sức sống rất mãnh liệt, tương tự như bao loại hoa hồng cổ quế, quế son, tường vy ….

Tuy có sức sống rất khỏe mạnh, kháng bệnh rất tốt nhưng hoa hồng nhung cổ không sai hoa trong giai đoạn còn nhỏ. Cây con thường có thân khá nhỏ, phát triển chậm nên chúng ít khi trổ được nhiều mầm, và không có ra hoa mấy. Nhưng với một cây hoa hồng nhung cổ sống lâu năm thì chúng có thể rất sai bông.

15 – Hoa hồng Nhung Sa Đéc

Hồng Nhung Sa Đéc được trồng rất nhiều tại vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ của các loài hoa”, đó là làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. Hiện vẫn chưa rõ về nguồn gốc xuất xứ, cũng như tên gọi tiếng Anh của giống hoa hồng này, nhưng rất có thể đây là giống hoa hồng được du nhập từ nước ngoài chứ không phải là một giống hoa hồng nội địa như nhiều người thường nghĩ.

Do đã được trồng từ lâu nên hoa hồng Nhung Sa Đéc cho khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu của miền Nam. Hầu như không cần phải chăm sóc, bón phân hay phun thuốc gì nhiều nhưng hồng Nhung Sa Đéc vẫn luôn xanh tốt, không hề bị sâu bệnh tấn công nhiều.

Hoa Hong Nhung Sa đéc

Với sức sống khỏe như vậy, người dân nơi dây đã dễ dàng nhân giống với số lượng rất lớn. Và tương tự như hồng Tường Vy, hồng Nhung Sa Đéc được bán với giá rất rẻ mặc dù giống hoa hồng này có giá trị thẩm mỹ không kém gì hồng ngoại. Hơn nữa, hoa hồng Nhung Sa Đéc có tốc độ phát triển rất nhanh, nên có thân rất to khỏe, chúng thường được lựa chọn rất trồng cảnh quan, công trình.

Sở hữu tông màu màu đỏ nhung rực rỡ, có form hoa cổ điển, kích thước to và hương thơm dịu dàng nên hoa hồng Nhung Sa Đéc thật sự rất đang trồng. Tuy nhiên, kiểu mọc theo hướng vươn thẳng, vươn rất cao nên sẽ khiến cho người chơi khó ngắm hoa được trọn vẹn nếu đứng gần. Ngoài ra, hoa hồng Nhung Sa Đéc có thân nhán cứng cáp nên rất thích với mục đích cắt cành cắm lọ hoa, trưng bàn thờ,…

16 – Hoa hồng cổ Hải Phòng

Hoa hồng cổ Hải Phòng có tên quốc tế là Don Juan rose, được lai tạo bởi ông Michele Malandrone tại nước Ý, và được giới thiệu lần đầu vào năm 1958. Theo nhiều tài liệu thì hoa hồng Don Juan là một giống hoa hồng leo, thuộc dòng Morden Rose (hoa hồng hiện đại) chứ không phải dòng Old Rose (hoa hồng cổ). Nhưng dù là dòng hoa hồng nào thì đây vẫn là giống hoa hồng đã tồn tại Việt Nam từ rất lâu đời.

Nhờ “sống lâu năm” tại Việt Nam nên hồng cổ Hải Phòng đã thuần dưỡng với điều khí hậu nước ta. Tuy khả năng kháng bệnh số một trong số các loại hoa hồng cổ, nhưng về khả năng sinh trưởng và sai hoa thì phải nói chẳng thua kém giống hoa hồng cổ nào tại Việt Nam. Đặc biệt là hoa hồng cổ Hải Phòng còn có kích thước hoa rất to, form đẹp và có hương thơm đậm đà.

13 Hoa Hong Co Hải Phòng

Ưu điểm tuyệt vời nhất của hoa hồng cổ Hải Phòng chính là khả năng trổ hoa rất to, form cổ điển và rất sai hoa ngay khi được trồng tại điều kiện khí hậu của Miền Nam. Ngay cả với cây non còn nhỏ nhưng vẫn có khả năng trổ hoa đều đặn, còn những cây có tuổi đời 2 – 3 năm thì có khả năng sai hoa cực kì nhiều, với những cây cổ thụ thì còn rực rỡ hơn nữa.

Hồng cổ Hải Phòng là dòng hoa hồng leo màu đỏ số một tại Việt Nam, rất đáng trồng với sức sống rất khỏe mạnh, nhưng về khả năng kháng bênh cũng chỉ mức tương đối nên sẽ cần phải biết cách chăm sóc bón phân, và đồng thời cần phải quản lý phòng ngừa sâu bệnh tốt.

17 – Hoa hồng cổ Sơn La

Cũng là một giống hồng cổ màu đỏ đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Hồng cổ Sơn La có rất nhiều đặc điểm giống với hồng cổ Hải Phòng nên có nhiều người cho rằng hai loại hồng này là cũng một giống, đều có tên quốc tế là Don Juan rose. Tuy nhiên, khi trồng thực tế thì giữa hai loại hồng này có vài điểm khác biệt khá nhỏ.

Cũng có rất nhiều bài viết phân biệt giữa hai loại hoa hồng này, nhưng hầu như không có sự thống nhất nào cả, có bài cho rằng hồng cổ Hải Phòng không ra bông chùm, nhưng lại có người nói hồng cổ hải Phòng vẫn có khả năng trổ bông chùm? Có bài viết cho rằng cổ Hải Phòng có màu đỏ tươi hơn so với hồng cổ Sơn La nhưng có cũng bài viết ngược lại.

Hoa Hong Co Son La 1

Tóm lại, rất khó để phân biệt hồng cổ Sơn Lahồng cổ Hải Phòng, ngay cả với nhà vườn lâu năm đôi lúc cũng bị nhầm lẫn giữa hai giống. Khi trồng thực tế thì đúng là có sự khác biệt nhỏ giữa hai giống nhưng không đáng kể. Cũng có khả năng từ một loại hoa hồng Don Juan, khi được trồng tại hai vùng khí hậu khác nhau đã có sự thay đổi đôi chút.

18 – Hoa hồng Chùm Son

Không rõ là xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào, cũng chẳng có nguồn tài liệu nào ghi chép về giống hoa hồng này, chỉ biết rằng hoa hồng Chùm Son được trồng rất nhiều tại Sa Đéc, Đồng Thấp từ lâu đời. Nhưng khả năng cao đây không phải là hồng nội địa, mà chúng được du nhập từ thời xưa, được nhân giống và lưu truyền đến ngày nay.

14 Hoa Hong Chùm Son

Hoa hồng Chùm Son rất được ưu chuộng vào dịp lễ tết, thường được trồng làm hoa tết nhiều hơn là trồng làm cảnh quan, bởi khả năng trổ bông chùm màu đỏ tươi rất rực rỡ, mang lại nhiều ý nghĩa. Tuy hoa hồng Chùm Son không có đường kinh lớn nhưng khả năng ra trổ hoa chùm với số lượng “khủng”, với hơn 20 bông trên mỗi nhánh, khiến cho chúng vô cùng rực rỡ mỗi khi vào vụ hoa.

19 – Hoa hồng Tố Nữ Sa Đéc

Hoa hồng Tố Nữ hay còn gọi là hoa hồng lửa Sa Đéc, một trong những loại hoa hồng đặc trưng của Sa Đéc Đồng Tháp. Cùng với Chùm Son, hoa hồng Tố Nữ được trồng như một dạng hoa kiểng trưng tết, với màu sắc đỏ rực như ngon lửa rất sặc sỡ, sẽ rất thích hợp khi trưng vào ngày tết, mang lại ý nghĩa về sự may mắn, ấm no và sum vầy gia đình.

Hoa Hong Co To Nu Sa Dec

Bên cạnh độ rực rỡ như những đốm lửa thì Hồng Tố Nữ được nhiều người lựa chọn nhờ sức sống khỏe mạnh, tương đối dễ trồng, không cần tốn công chăm sóc nhiều như những loại hồng ngoại. Một ưu điểm nữa là độ bền hoa có thể lên tới 7 ngày mới tàn, lại rất sai hoa và có thể trổ hoa chùm rất nhiều. Tuy nhiên, hoa hồng tố nữ rất ít thơm, chỉ ở những cây đã trồng trên 2 năm, hoa hồng tố nữ mới có được một chút hương thơm nhẹ.

20 – Hoa hồng Tỉ Muội

Hoa hồng Tỉ Muội hay hoa hồng Tiểu Muội, là một dòng hoa hồng miniature được trồng rất phổ biến tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Trong đó bao gồm rất nhiều loại hoa hồng, có kích thước nhỏ, với đủ loại màu sắc khác nhau từ đỏ, vàng, hồng, cam và tím. Cách gọi hồng Tỉ Muội không phải chỉ để nói riêng về một giống hoa hồng. Có lẽ do đặc điểm nhỏ nhắn, lại ra từng chùm hoa nhỏ nhỏ xinh xinh nên được người dân gọi với tên trìu mến là Tỉ Muội.

15 Hoa Hong Ti Muoi

Hoa hồng Tỉ Muội có kích thước hoa nhỏ, không thơm, ít mang lại giá trị nên không có mấy người thích loại hoa hồng này. Thậm chí là không nghĩ rằng đây là một giống hoa hồng. Nhưng bù lại hồng Tỉ Muội cho khả năng phân nhánh rất tốt, rất sai bông và lại khá dễ chăm sóc nên rất phù hợp với người mới tập trồng hoa hồng.

21 – Hoa hồng cổ Cam Đà Lạt

Trong làng hoa hồng cổ Việt Nam thì duy chỉ có loại hồng Cổ Cam Đà Lạt này là có tông màu cam. Gọi là hồng cổ Đà Lạt nhưng không phải là giống bản địa của Đà Lạt, mà chúng được du nhập về Việt Nam và được trồng qua nhiều đời, thành ra được gọi là hồng cổ cam Đà Lạt. Tên tiếng anh là Camelot được nhân giống bởi Swim Weeks tại Mỹ và được giới thiệu lần đầu vào năm 1964.

Như vậy hồng cổ Cam Đà Lạt cũng không thuộc dòng Old Rose (hoa hồng cổ) và cũng không phải do người Pháp đưa về Việt Nam như lời đồn. Rất có khả năng được nhập về nước ta để trồng với mục đích khai lấy hoa cắt cành tại các nông trại hoa hồng ở Đà Lạt.

Hoa Hong Cổ Cam đà Lạt

Theo các nguồn tài liệu thì hoa hồng Camelot là một giống hoa hồng bụi, thân to cứng cáp, có form hoa xoắn cổ điển, cánh hoa rất dày, lâu tàn và có hương thơm nhẹ nhàng. Hoa hồng cổ cam Đà Lạt có khả năng cho ra hoa chùm nhưng không sai hoa lắm, và tốc độ lặp hoa cũng rất chậm.

Hoa hồng cổ cam Đà Lạt có thể trồng được tại điều kiện khí hậu Sài Gòn, vẫn có thể trổ hoa to, giữ form tốt và màu đậm tương tự như khi trồng tại Đà Lạt. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của giống hoa hồng này rất chậm, khó nhân giống nên không được bán nhiều trên thị trường.

22 – Hoa hồng Tím Ruốc

Tím Ruốc là một trong số ít giống hoa hồng có màu tím được trồng tại khí hậu miền Nam. Được đặt với tên gọi khá dân dã là “tím ruốc” nhưng lại không hề “bốc mùi” mà trái lại còn rất thơm. Đây là một trong những giống hoa hồng được trồng nhiều tại Sa Đéc, nên đôi lúc còn được gọi là “Tím Ruốc Sa Đéc”. Tuy nhiên, hoa hồng Tím Ruốc không phải là một loại hồng bản địa mà được du nhập về từ lâu đời.

Khi được so sánh các đặc điểm với các giống hoa hồng ngoại khác thì Tím Ruốc có form khá giống với Azure Sea rose, Lavender Jade rose và Royal Amethyst rose. Khả năng cao đây là một trong ba loại hoa hồng này. Có lẽ thời gian tới sẽ cần tới sự đối chiếu, thảo luận nhiều hơn rồi mới có thể kết luận được.

Hoa Hong Tim Ruoc

Về khả năng thích nghi thì khỏi phải bàn, hoa hồng Tím Ruốc được trồng tại điều kiện khí hậu miền Nam từ rất lâu, nên chúng rất khỏe mạnh với điều kiện tại nước ta. Nếu được trồng tại khí hậu lạnh hoa hồng Tím Ruốc có khả năng sẽ cho ra hoa to, đậm màu và cánh dày hơn. Còn trong điều kiện khí hậu miền Nam thì hoa hồng Tím Ruốc có màu tím nhạt, bông khá to nhưng lại rất mau tàn.

Hoa hồng Tím Ruốc có đặc điểm thân bụi tầm trung, cao tầm 120cm khi trưởng thành, thích hợp trồng tại nơi có không gian vừa và nhỏ. Có thể trồng hồng Tím Ruốc để tạo cảnh quan sân vườn. Hiện tại hoa hồng Tím Ruốc được nhân giống khá phổ biến nên giá thành cũng rất rẻ so với mặt bằng trung, lại có form hoa không thua kém gì hoa hồng ngoại nên rất đáng để sở hữu.

23 – Hoa hồng cổ Bạch Ho

Bạch Ho là một giống hồng bản địa tại Việt Nam, được phát hiện tại tỉnh Nam Định nên nó còn gọi là Hồng Nam Định. Đây là giống hồng đã quá quen thuộc với người Việt, minh chứng là sự xuất hiện trong bài thuốc chữa ho cho trẻ em ngày xưa. Cây cho ra hoa màu trắng, có form hoa dạng cúp, bông rủ xuống.

Hoa Hong Bach Ho Co

Giống hoa hồng Bạch Ho là cây dạng thân bụi, có sức sống khỏe mạnh, phát triển nhanh và có khả năng kháng bệnh rất tốt, trồng khá dễ và ít tốn công chăm sóc. Cây nở hoa quanh năm, cứ 4 – 6 tuần lại có lứa mới.

24 – Hoa hồng cổ Bạch Xếp Nam Định

Cùng với Bạch Ho, hoa hồng Bạch Xếp cũng là một loại giống bản địa được tìm thấy tại Nam Định, Việt Nam. Cả hai giống Bạch Ho và Bạch Xếp đều cho ra hoa màu trắng nên vẫn hay bị nhầm lẫn. Vẫn có thể phân biệt dựa vào form hoa và kiểu lá. Hồng Bạch Ho có hoa dạng cúp, bông rủ xuống còn Bạch Xếp ra hoa form cánh xếp.

Hoa Hong Co Bach Xep

Hoa hồng cổ Bạch Xếp cổ là giống cây có sức sống mãnh liệt, dẻo dai, có khả năng kháng bệnh rất tốt nên cũng là một trong những giống hồng dễ trồng và ít tốn công chăm sóc.

25 – Hoa hồng cổ Bạch Trà

Giống hồng Bạch Trà xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu rồi, hiện tại không còn nhiều ghi chép nào về nguồn gốc của loại hồng này nữa. Có thông tin cho rằng đây là một giống hồng có liên quan đến hoa hồng tỉ muội. Giống này xuất hiện phổ biến tại Lâm Đồng, được trồng làm cảnh trước nhà rất đẹp.

Hoa Hong Co Bach Tra

Hoa hồng Bạch Trà là dạng cây bụi thân nhỏ, có chiều cao thấp. Bông hoa của Bạch Trà cũng chỉ có kích thước từ 2 – 3cm mà thôi, nhưng bù lại ra hoa dạng chùm với số lượng từ 40 – 50 bông, tạo thành mảng trắng nhẹ nhàng và tinh tế. Các nhà vườn thường lựa chọn giống này để ghép lên thân hồng rừng cổ thụ tạo dáng rất đẹp mắt và có giá trị cao.

26 – Hoa hồng cổ trắng Đà Lạt

Đà Lạt là xứ sở mộng mơ của hoa, cỏ và những đồi thông xung quanh. Khi nói về hoa hồng thì Đà Lạt có đến hàng vạn giống loài khác nhau. Không có gì lạ khi mà nơi đây được trời phú cho thời tiết để trồng hoa hồng. Nơi đây có một loại hoa hồng trắng lâu đời, được du nhập bởi người Pháp từ rất lâu.

Đó chính là giống hoa hồng cổ Trắng Đà Lạt, có tên tiếng Anh là Lamarque climbing rose. Đây là loại giống hoa hồng leo của Pháp, được thừa hưởng vẻ đẹp và sự lãng mạn tuyệt vời xứ sở tình yêu.

Hoa Hong Co Da Lat Mau Trang

Hồng cổ Trắng Đà Lạt đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu, nên mức độ thuần dưỡng rất cao. Nó không chỉ khỏe mạnh, khàng bệnh tốt mà còn cho tốc độ sinh trưởng nhanh chóng. Các khu vườn biệt thự trên Đà Lạt thường hay lựa chọn giống này làm cây leo trước nhà tạo cảnh quan đẹp như tranh vẽ.

27 – Hồng leo tầm xuân trắng cánh đơn

Hồng leo tầm xuân trắng là giống hồng cổ bản địa của Việt Nam, nó xuất hiện tại khắp Châu Á. Đây là giống hồng hoang dã, có tên khoa học là Rosa Canina, phát triển mạnh mẽ trên các khu vực rừng phía bắc Việt Nam. Loài hoa này có vẻ đẹp thuần khiết, mùi hương thơm ngát.

Hoa Hong Rung Viet Nam

Là giống địa Chậu Á, hoa hồng tầm xuân có sức sống rất khỏe, khả năng chống chịu và thích nghi tốt trong nhiều môi trường khác nhau, ngay cả nơi có khí hậu khắc nghiệt và đất nghèo dinh dưỡng. Các nhà vườn cũng thường khai thác hồng rừng cổ thụ về để ghép mắt hồng ngoại bán với giá cao.

Trên thực tế, cây ghép giữa hồng rừng và hồng ngoại có sức sống rất khỏe, và vẫn có khả năng tồn tại và phát triển tốt trên gốc ghép nhiều năm mà không sợ thoái hóa. Tuy nhiên, kỹ thuật này không có mấy người có thể làm được.

28 – Hoa hồng tầm xuân Bắc

Tầm Xuân Bắc là một loại hoa hồng bản địa thực thụ của Việt Nam, thường mọc dại nhiều tại các tỉnh phía bắc Việt Nam bao gồm tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nội. Hoa hồng Tầm Xuân Bắc còn được ghi nhận xuất hiện tại các nước Châu Á khác như Lào và Trung Quốc. Tầm Xuân Bắc là một loại hoa hồng dại (Wild rose) thường mọc dại trong hoang dã, có “tuổi đời” khó xác định được, chắc cũng phải thuộc hàng “cụ kị” của loài hoa hồng.

Hoa Hong Tam Xuan Bac

Bên cạnh những bông hoa màu trắng xinh xắn là bộ lá “gân guốc” với đường gân nổi thể hiện rất của hồng Tầm Xuân Bắc. Kiểu lá “có một không hai” thực sự mang lại cho chúng có khả năng kháng bệnh rất “trâu bò”, hầu như rất hiếm khi có một loại bệnh hại xuất hiện trên lá.

Hoa hồng Tầm Xuân Bắc cũng có một sức sống “bất diệt”, có khả năng mọc mầm ra từ bộ phận rễ cây, nên có thể hiểu được tại sao chúng lại tồn tại tới bây giờ. Tầm Xuân Bắc có tên khoa học là Rosa tunquinensis Crep, từng được ghi nhận trong sách đỏ của Việt Nam, nhưng đến nay đã được nhân giống tương đối nhiều và bán rộng rãi ngoài thị trường.

29 – Hoa hồng Hai Da

Sở dĩ được gọi là “Hai Da” là vì loại hoa hồng này có hai lớp màu sắc trên cùng một bông hoa, với lớp cánh mặt dưới có màu cam đồng, còn lớp cánh mặt trên thì có màu cam hồng. Đây là một vẻ đẹp khá độc đáo chỉ xuất hiện trên một số ít giống hoa hồng, cùng với form hoa theo phong cách cổ điển thì rất có thể đây là một giống hoa hồng lai, thuộc dòng hoa hồng hiện đại, chứ không phải là giống hoa hồng bản địa.

Do đã xuất hiện tại Sa Đéc, Đồng Tháp từ lâu đời nên hoa hồng Hai Da dần trở nên quen thuộc và được xem như một giống hoa hồng nội. Hiện tại không rõ nguồn gốc loại hoa hồng này đến từ đâu, và được du nhập về nước ta từ bao giờ. Khi được so sánh đối chiều về đặc điểm ngoại hình thì hoa hồng Hai Da có rất nhiều nét tương đồng với hoa hồng Flaming peace rose, một loại hoa hồng Hybrid Tea được phát hiện bởi Samuel Darragh vào năm 1963.

Hoa Hong Co Hai Da

Là một loại hoa hồng đã thuần khí hậu miền Nam nên hoa hồng Hai Da có tốc độ sinh trưởng rất mạnh, thích hợp với không gian thoáng đãng, có nhiều nắng. Khi được trồng xuống đất thì hoa hồng Hai Da có độ khỏe mạnh tuyệt vời, cùng khả năng kháng sâu bệnh rất tốt. Ưu điểm của loại hoa hồng này là khả năng sai hoa nhiều, có thể ra chồi non liên tục. Tuy rất khỏe nhưng lại không có hương thơm mấy.

Hai Da có đặc điểm thân to khỏe, cứng cáp, vươn thẳng và có thể đạt chiều cao trên 2m, tương tự như hoa hồng nhung Sa Đéc nên thích hợp trồng tạo cảnh quan sân vườn, không thích hợp với không gian nhỏ nếu trồng lâu dài. Tuy được trồng tại vùng khí hậu nóng nhưng hoa hồng Hai Da có form cuộn xoắn khá đẹp mắt, cùng kích thước hoa to và lại khá dễ chăm nên cũng rất đáng trồng.

30 – Hoa hồng Đổi Màu

Đặc điểm đổi màu từ khi nở khiến cho loại hoa hồng này được gọi với cái tên khá đặc biệt – “hoa hồng đổi màu. Từ khi là nụ thì hoa có màu vàng sau đó chuyển sang màu hồng và khi bung nở thì chuyển dần sang màu trắng. Được trồng nhiều tại Sa Đéc, Đồng Tháp và có “tuổi đời” khá lâu năm nên loại hồng này dần được xem như là giống hoa hồng nội. Thực chất hoa hồng đổi màu không phải loài hoa hồng bản địa.

Hoa Hong Co đổi Màu

Hoa hồng Đổi Màu có đặc điểm dạng thân bụi thấp, phát triển khá chậm, phân xu hướng nhánh nhiều từ gốc tạo thành bụi xum xuê cành lá và có nhiều hoa, thường được trồng thời vụ lấy hoa vào những dịp lễ tết, chủ yếu để tạo thêm màu sắc cho không gian, rất ít khi được trồng làm cảnh quan do form hoa khi nở không đẹp.


Lời kết

Hoa hồng cổ là loại cây không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ, có giá trị kinh tế cao mà còn có sức sống rất khỏe manh, thuần khí hậu nên chúng rất dễ chăm sóc khi được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng củanước ta.

Tuy nhiên, muốn cho cây hoa hồng cổ phát triển được tốt nhất, trổ thật nhiều hoa đẹp mắt thì người chơi hoa cần tìm hiểu kỹ về giống hoa hồng cổ mà mình trồng, cũng như cần phải am hiểu về cách chăm sóc ha hồng và phòng ngừa sâu bệnh định kì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *