Site icon Cua Gạo Garden – Cung cấp cây hoa hồng

Top 14 bệnh hoa hồng thường gặp mà bạn cần biết

benh hoa hong

Vào những hững ngày mưa gió thất thường, hoa hồng sẽ rất dễ bị các loại bệnh hại tấn công. Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hòng giúp cây hoa hồng chống lại bệnh, cần phát hiện bệnh hại sớm để điều trị và phun phòng để ngăn chặn sự lây lan.

Hoa hồng có rất nhiều bệnh nên phải phun phòng mới hiệu quả, đôi khi ngay cả thuốc đặc trị cũng không chữa được, cũng chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho cây mà thôi. Đơn cử như bệnh sương mai, khi phát hiện bệnh đã ăn vào thân thì có thuốc tiên cũng không cứu được. Đó là chưa nói đến những bệnh nan giải như xoăn ngọn do virus, héo xanh, tuyến trùng..

Nội dung bài viết

1 – Bọ trĩ

Bọ trĩ thường chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, màu hoa nhạt, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém. Tại vết chích có những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng, lúc đầu vàng trắng sau biến thành nâu đen. Chúng là loài côn trùng có khả năng quen thuốc cao, vì vậy cần luân phiên thay đổi khi sử dụng thuốc.

2 – Nhện đỏ

Nhện đỏ là loài có kích thước rất nhỏ, thường núp dưới lá cây để hút chích dinh dưỡng. Với nhện đỏ còn non thường có màu cam, mắt thường sẽ thấy chúng như các chấm đen li ti ở trên các vật thể trong suốt, với nhện đỏ trưởng thành sẽ có màu đỏ mọng, thân hình tròn, dài khoảng 0.2mm. Nhện trưởng thành di chuyển rất chậm.

3 – Rệp vảy

Rệp vảy là nổi ám ảnh của người trồng hồng vì nó lây lan rất nhanh, làm khô thân cây hoặc làm cây yếu đi nhanh chóng. Chúng bám chặt trên thân cây ngăn cho cây quang hợp, hay xuất hiện tại những vị trí mà ta khó có thể chạm tới. Nếu không điều trị sớm và đúng các sẽ rất dễ lan ra những cây xung quanh.

4 – Rầy hoa hồng

Rầy hoa hồng là một loài côn trùng nhỏ, thường núp dưới mặt lá cây hoa hồng để hút nhựa cây, khiến cho lá hoa hồng bị lốm đốm màu vàng nhạt. Chúng có tên tiếng anh là Rose leafhopper, con trưởng thành có màu vàng nhạt dài khoảng 3 – 4mm. Với đôi cánh gập lại trên cơ thể, chúng có thể dễ dàng nhảy và bay khoảng cách ngắn.

5 – Bệnh đốm đen trên hoa hồng

Đây là loại bệnh cực kì phổ biến trên cây hoa hồng, thường xuất hiện vào thời điểm đầu mùa mưa. Nguyên nhân là do nền nhiệt độ tăng cao, độ ẩm môi trường luôn ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm hại phát triển trên bề mặt lá. Tuy bệnh đốm lá hoa hồng không nghiêm trọng đến mức làm chết cây nhưng nó làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây hoa hồng.

Trong tiếng anh bệnh đốm đen trên hoa hồng được gọi là là Black Spot, do các loài nấm hại và vi khuẩn tấn, gồm các loại nấm Diplocarpon roseae, Marssonina rosae, Cercospora puderi, Alternaria alternata, Colletotrichum capsici và các loại vi khuẩn Xanthomonas sp, Pseudomonas Syringae.

Nếu bị bệnh đốm lá quá nặng, cây hoa hồng có thể sẽ bị rụng lá hoàn toàn. Mất đi bộ lá, cây hoa hồng sẽ mất khi khả năng quang hợp, đồng thời làm giảm khả năng hút chất dinh dưỡng từ rễ. Lúc này, cây hoa hồng bị suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng, nên rất dễ bị côn trùng và bệnh hại bên ngoài tấn công. Nếu được dưỡng cẩn thận (sạch bệnh) thì vẫn có khả năng hồi phục.

6 – Bệnh thán thư

Vết bệnh thường có dạng hình tròn nhỏ, hình thành từ chót lá, mép lá hoặc ở giữa phiến lá. Ở giữa vết bệnh màu xám nhạt hơi lõm, xung quanh có viền màu nâu đỏ hoặc màu đen. Trên mô bệnh giai đoạn về sau thường hình thành các hạt màu đen nhỏ li ti là đĩa cành của nấm gây bệnh. bệnh thường hại trên lá bánh tẻ và lá già.

Đôi lúc, trên thân cành bị bệnh cũng có vết nứt dọc màu hồng, sau chuyển qua màu nâu, cành bị bệnh suy yếu và dễ gãy. Trên bộ phận hoa và đài hoa cũng có thể bị bệnh nhưng ít gặp hơn. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển là do nấm Sphaceloma rosarum gây ra.

Loại nấm này luôn có sẵn trong đất trồng và môi trường, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển thành bệnh hại. Trên cùng một cây, lá ngoài cùng sẽ bị trước rồi lần lượt đến các lá bên trong, với tốc độ lây lan và phá hại rất mạnh nên thường khiến cây suy mạnh.

7 – Bệnh gỉ sắt

Bệnh gỉ sắt trên hoa hồng là do một loại nấm gây nên, nó có tên là Phragmidium mucronatum, loại nấm này thường lan truyền bào tử trong không khí ở nhiệt độ 18 đến 21oC. Bệnh này có tên tiếng anh là Rust rose. Nó mang những biểu hiện tương tự như các bệnh thường gặp do nấm và vi khuẩn, với biểu hiện điển hình là lá chuyển màu, cây còi cọc, không ra hoa,….

Biểu hiện cụ thể:

Loại bệnh này thường không nghiệm trọng, đôi khi có thể tự hết, nhưng nếu có điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển mạnh, ngày làm mất thẩm mỹ. Khi bệnh tiến triển nặng, hoa hồng sẽ không chết ngay mà sẽ bị suy rồi chết.

8 – Bệnh sương mai

Bệnh sương mai có tên tiếng anh là Downy Mildew, do một loại nấm có tên là Peronospera sparsa gây ra. Bệnh sương mai có thể gây hại ở tất cả các bộ phận của cây hoa hồng nhưng phổ biến nhất là trên lá. Ban đầu những vết bệnh sẽ làm cho lá xuất hiện các đốm xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng nhạt.

Các vết bệnh thường có hình góc cạnh, do chúng bị giới hạn bởi các đường gân lá. Vết bệnh sương mai thường nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc theo đường gân láKhi vết bệnh chuyển nặng, lá cây sẽ bắt đầu chuyển sang màu nâu, có hình dạng đa giác hoặc hình bất kì.

Đặc biệt, vào những ngày mưa ẩm liên tục, nhiệt độ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sương mai phát triển, quan sát kỹ mặt dưới lá sẽ thấy vết bệnh hơi ướt, các bào tử nấm sẽ có màu tím nhạt, nhất là lúc sáng sớm và mất đi khi trời nắng.

9 – Bệnh phấn trắng

Bệnh phấn trắng trên hoa hồng có các triệu chứng vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, cây còi cọc, xơ xác, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển của cây.

Nguyên nhân gây bệnh do nấm Sphaerotheca pannosa gây ra. Nấm bệnh phát triển thích hợp trong điều kiện ẩm độ 85%, nhiệt độ 18 độ C, ở nhiệt độ 27 độ C nấm sẽ chết trong 24 giờ. Sợi nấm tồn tại ngay trên lá, những cành bị bệnh, đây là nguồn bệnh chủ yếu để lây lan sang các cây khác, ruộng khác và vụ sau.

Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (ẩm độ không khí trên 80%, nhiệt độ không khí khoảng 20 – 28 độ C), các sợi nấm tiềm sinh trở lại trạng thái hoạt động hình thành các bào tử, những bào tử này phát tán đi và rơi trên bề mặt lá rồi mọc mầm xâm nhiễm vào bên trong mô lá gây hại, nơi đây lại trở thành nguồn bệnh dự trữ trên đồng ruộng.

10 – Bệnh mốc xám (chết khô)

Bệnh mốc xám trên cây hoa hồng được cho là do loài nấm Botrytis cinerea Persoon gây ra . Đây là một trong những bệnh hại nguy hiểm, có thể làm chết cây hoa hồng. Loại bệnh này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong mùa sinh trưởng, nên cần phải phòng ngừa thường xuyên mới đem lại hiệu quả và an toàn.

Ban đầu vết bệnh khá thưa thớt, chỉ xuất hiện những đốm nhỏ mềm nhũn trên thân, lá và hoa. Khi độ ẩm tăng cao, các vết bệnh này sẽ phát triển mạnh, có thể bao phủ lấy cây bởi một lớp bào tử nấm xám. Bên cạnh đó, bệnh mốc xám thường xuất hiện nhiều tại các vị trí mà cây tiếp xúc với đất hoặc bị tổn thương.

Những sội nấm của bệnh mốc xám có màu xám trắng và có lông bao quanh, chúng làm thối rữa các bộ phận, sau đó phát triển thành các hạch nấm màu đen tại đó, và xuất hiện thêm một khối nhỏ các sợi nấm cứng. Nếu bị nặng thì làm cho lá dưới gốc và thân cây bị thối và rụng dần. Đối với những cây thân
gỗ thì cành cây sẽbị chết khô và xuất hiện các vết loét.

11 – Bệnh héo Verticillium

Trên các ngọn bị héo nhưng vẫn còn xanh, các lá thấp dưới bị vàng, ban đêm có thể hồi phục nhưng sau vài ngày cả phần ngọn cũng chuyển sang màu vàng sau cùng là màu nâu, tàn úa và chết, thường bắt đầu chết từ ngọn đi xuống. Trên hoa bị những vệt đen dọc theo chiều dài của cánh hóa.

Bệnh hại nặng trong mùa hè khi thời tiết bị khô hạn, hoa hồng trồng ngoài trời ít bị bệnh này hơn hoa hồng được trồng trong nhà kính. Nguyên nhân là do nấm Verticillium albo-atrum Berth gây ra, bào tử đính là một tế bào trong suốt có dạng hình cầu được đính trên các cành bào tử phân sinh. Nấm này truyền được qua các mô, mắt ghép trong quá trình cấy mô.

12 – Bệnh nấm thân

Bệnh nấm thân xuất hiện rất phổ biến trên cây hoa hồng, đây là một loại bệnh hại vô cùng ngủy hiểm, một khi xuất hiện vết bệnh thì hầu như không thể cứu được nhánh đấy nữa. Nếu vết bệnh xuất hiện dưới gốc thì cây hoa hồng xem như đi toi, vô phương cứu chữa.

Nấm thân hoa hồng là hai loại nấm có tên là Coniothyrium wernsdorffiaeParaconiothyrium fuckelii gây ra. Khi phát hiện, tốt nhất nên cách ly sau đó đưa đi tiêu hủy ngay.

13 – Bệnh sùi cành

Các đốt thân ngắn lại tạo thành những u sưng sần sùi, vỏ, thân, cành nứt rạn nhiều khía chằng chịt, bên trong gỗ nổi u, vết bệnh có màu nâu, nhiều vết sần sùi có thể chập lại liền nhau thành một đoạn dài, có khi vết bệnh bao phủ quanh cành. Bệnh này do vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens gây ra.

14 – Khảm virus

Bệnh khảm virus rất ít khi xuất hiện trên cây hoa hồng, nó cũng không có gì quá nghiêm trọng, nhưng lại xuất hiện dai dẳng, khiến cho cây hoa hồng bị chậm phát triển. Loại bệnh này được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe bởi nhóm côn trùng chích hút như bọ trĩ và rệp dưa.

Cua Gạo Garden Team

Exit mobile version